Mong phép màu cho bé Siu H'Lê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở tuổi lên 7, Siu H’Lê, dân tộc Jrai (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) trông chẳng khác gì đứa trẻ lên 3 với thân hình gầy còm, nhỏ thó. Khi sinh ra, Siu H’Lê đã mắc phải hội chứng Treacher Collins-một căn bệnh hiếm gặp. Nó khiến khuôn mặt em không lành lặn, hở hàm ếch, việc ăn uống vô cùng khó khăn… Cũng vì không nói được và khiếm thính nên em không thể đến trường như các bạn đồng trang lứa.

Căn nhà lụp xụp chưa đầy 20 m2 là nơi trú ngụ của 5 thành viên trong gia đình H’Lê. Trước khi sinh H’Lê, bố mẹ em đã có 2 người con trai đều lành lặn. Nhà H’Lê là hộ nghèo, bố mẹ không có việc làm ổn định. Trước đây, gia đình có 1 ha đất sản xuất nhưng vì để có tiền chữa bệnh cho H’Lê nên bố mẹ em đã bán cho người khác. Không có đất sản xuất, không có việc làm, cái nghèo cứ vây bủa gia đình H’Lê từ năm này sang năm khác.

 

Bé Siu H’Lê rất quấn mẹ.   Ảnh: N.N
Bé Siu H’Lê rất quấn mẹ. Ảnh: N.N

Chị Siu B’Yút-mẹ của H’Lê, chia sẻ: “Lúc mang thai hơn 6 tháng, mình có đi khám và siêu âm một lần nhưng không phát hiện gì bất thường. Đến khi sinh ra, thấy con như vậy, 2 vợ chồng vô cùng hụt hẫng. Chồng mình khi ấy không chịu tin đứa bé là con của mình. Mãi về sau, chồng mới chấp nhận sự thật và dành hết tình yêu thương cho con”.

Chị Siu B’Yút buồn bã cho biết thêm: “Ngày còn nhỏ, H’Lê rất khó khăn trong việc ăn uống. Con không thể bú sữa, ngậm vú mẹ như những đứa trẻ bình thường khác. Mỗi lần ăn là phải đút từng muỗng sữa, rất cực. Đến tận bây giờ, việc ăn uống của con cũng không cải thiện được bao nhiêu. Vì vậy, dù đã 7 tuổi nhưng con chỉ như đứa trẻ 3 tuổi, suy dinh dưỡng trầm trọng. Vợ chồng mình phải thay phiên chăm sóc con nên không còn nhiều thời gian để làm công việc khác”.

H’Lê rất quấn mẹ. Tuy không nghe, không nói được nhưng qua cử chỉ, điệu bộ, chị Siu B’Yút vẫn hiểu được điều con muốn. Chị cho biết, H’Lê rất thích đi học, rất muốn được đến trường như các bạn. Chị cũng đã thử xin cho con đi học nhưng do con không thể nghe, nói nên đến đâu người ta cũng ái ngại.

“Gia đình mình tuy nghèo nhưng cũng cố gắng bằng mọi cách để cho con đi chữa bệnh. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, H’Lê được đưa đi khám-chữa bệnh 5 lần nhưng cả 5 lần đều không có kết quả do bệnh quá phức tạp. Vợ chồng mình buồn lắm”-anh Rơ Châm Cheo-bố của H’Lê thở dài khi nhắc đến chuyện cũ.

Những chuỗi ngày buồn bã nối tiếp nhau, bố mẹ và cả H’Lê dường như đã từ bỏ hy vọng. Câu chuyện của H’Lê được nhắc lại khi một người dân tình cờ phát hiện và đăng lên mạng xã hội nhờ giúp đỡ. Thông qua đó, thông tin của H’Lê đã đến được với các Mạnh Thường Quân và em sẽ được tài trợ khám-chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí tại TP. Hồ Chí Minh. Đích thân các bác sĩ của Tổ chức Project Vietnam Foundation (PVNF)-tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ-sẽ thực hiện ca phẫu thuật. Không chỉ vậy, chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày khám-chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh của H’Lê và bố mẹ cũng được các nhà hảo tâm chi trả.

Sáng 3-3, các tình nguyện viên đã đến đón gia đình H’Lê lên TP. Pleiku để kịp cho chuyến bay vào TP. Hồ Chí Minh. Biết được thông tin này, cả nhà H’Lê mừng lắm. Những người dân xung quanh cũng chung niềm vui và mong điều kỳ diệu sẽ đến với em. Mẹ H’Lê chia sẻ: “Những lần trước, mình đều hy vọng rồi thất vọng. Lần này, mình hồi hộp lắm nhưng rất mong mọi điều may mắn cho con”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.