Trường Tiểu học xã Hà Tây đổi mới phương pháp dạy tiếng Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tích cực đổi mới phương pháp dạy học tiếng Bahnar, Trường Tiểu học xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã giúp học sinh hào hứng tiếp thu bài, nâng cao chất lượng học tập. Đồng thời, việc duy trì sĩ số học sinh cũng luôn được đảm bảo.
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học xã Hà Tây có 24 lớp với 787 học sinh. Trong đó, 99% học sinh là người Bahnar. Ngay từ đầu năm học, cùng với việc dạy học theo chương trình phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định, nhà trường đã triển khai dạy tiếng Bahnar như một bộ môn trong chương trình. Theo đó, toàn trường có 3 lớp với hơn 200 học sinh của khối lớp 3, 4 và 5 được học tiếng Bahnar.
Thầy Hoàng Bùi Luyện-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Xác định được những khó khăn gặp phải khi triển khai chương trình, nhà trường đã bồi dưỡng 3 giáo viên là người Bahnar có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của người Bahnar để phụ trách dạy học ở 3 khối lớp. Đồng thời, nhà trường thường xuyên kiểm tra, dự giờ, đóng góp ý kiến để chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, thông qua môn học này sẽ giúp các em học sinh tăng cường tiếng Việt, học tốt hơn ở các môn khác. Đây cũng là cách để bảo tồn và phát huy nét đẹp ngôn ngữ và văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar”.
 Một tiết học tiếng Bahnar tại Trường Tiểu học xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Ngọc Thu
Một tiết học tiếng Bahnar tại Trường Tiểu học xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Ngọc Thu
Là giáo viên phụ trách dạy tiếng Bahnar, cũng là người dân tộc bản địa ở xã Hà Tây, thầy A Dris đã vận dụng vào bài giảng cùng với phương pháp dạy học mới để truyền đạt kiến thức chương trình học bằng tiếng Bahnar giúp các em dễ hiểu, nắm bắt kiến thức tốt hơn.
“Tôi định hướng để học sinh tìm hiểu nội dung bài học, liên hệ thực tế địa phương, trong sinh hoạt hàng ngày của các em. Từ đó, học sinh gần gũi với giáo viên, hiểu bài học hơn. Ngoài ra, tôi vận dụng linh hoạt 2 ngôn ngữ để giúp học sinh tiếp thu bài học tốt hơn”-thầy A Dris cho hay.
Đến nay, chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Bahnar đã có nhiều chuyển biến, phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp học sinh thêm hứng thú trong học tập, nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt và các môn học khác. Kết quả cuối năm học, 100% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn học; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 98-100%.
Học sinh Trường TH xã Hà Tây, huyện Chư Pah hào hứng với môn học tiếng Bahnar của mình. Ảnh: Ngọc Thu
Học sinh Trường Tiểu Học xã Hà Tây hào hứng với môn học tiếng Bahnar. Ảnh: Ngọc Thu
Được học tiếng mẹ đẻ từ năm lớp 3, em Bis (lớp 5C) đã mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, siêng năng đến trường. Bis cho biết: “Lúc trước, em thấy tiếng Việt rất khó, em không hiểu bài nên không muốn đi học. Nhưng được thầy cô chỉ dạy bằng tiếng Bahnar, em dễ học bài hơn. Giờ không chỉ biết được tiếng Việt mà em còn biết đọc, viết cả tiếng Bahnar nữa. Em thấy vui khi được đến lớp”.  
Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Bahnar ở Trường Tiểu học xã Hà Tây vẫn còn khó khăn do thiếu đồ dùng học tập, đặc biệt là sách giáo khoa do sử dụng nhiều năm, chưa được tái bản nên đã hỏng, rách. Bên cạnh đó, một số tiết học chưa có dụng cụ trực quan nên hiệu quả chưa cao; một số tranh minh họa trong sách giáo khoa chưa phù hợp...
Theo ông Nguyễn Đình Phước-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Păh, Trường Tiểu học xã Hà Tây là một trong những điểm sáng của huyện trong việc thực hiện chương trình dạy học tiếng Bahnar. Thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện để các giáo viên được tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Đối với tình trạng thiếu sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, vì đang trong quá trình chuẩn bị đổi sách mới do Bộ GD-ĐT biên soạn nên ngành GD-ĐT huyện sẽ trích tiền để mua, photocopy sách cũ cho giáo viên dùng tạm thời đến khi sách giáo khoa mới xuất bản.
GIA HÂN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.