Kỳ cuối: Khi thầy làm "thợ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ nỗ lực truyền đạt kiến thức cho học sinh, nhiều giáo viên vùng khó còn luôn mong muốn mang đến cho các em một môi trường học tập toàn diện. Cũng bởi lý do đó mà mỗi khi hè đến, họ lại tình nguyện trở thành những người “thợ” đặc biệt, góp phần điểm tô trường lớp và “tiếp sức” cho học trò nghèo trước thềm năm học mới.
Sửa sang cơ sở vật chất trường lớp
Từ khi mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú được hình thành tại các xã: Kon Pne, Đak Rong, Krong, Đak Smar, học sinh vùng khó của huyện Kbang đã có điều kiện thuận lợi hơn để học tập, vui chơi. Tuy nhiên, một số công trình phụ trợ vẫn còn thiếu thốn, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học. Trước thực tế ấy, vào mùa hè, nhiều thầy-cô giáo đã không quản ngại công sức, thời gian để lên ý tưởng và bắt tay xây dựng những công trình học đường thiết thực, ý nghĩa.
Năm học 2016-2017, Trường Tiểu học Đak Smar và Trường THCS Đak Smar được sáp nhập thành Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Cơ sở vật chất trở nên thiếu thốn đủ bề. Để lo chỗ ăn, ở cho gần 250 học sinh, các thầy-cô giáo nơi đây gần như không có ngày nghỉ vì ngoài giờ lên lớp, họ chia nhau đi vận động, quyên góp chăn, màn, chiếu, gối cho các em có giấc ngủ tròn đầy.
Thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar (huyện Kbang) sơn lại hàng rào. Ảnh: Nguyễn Giang
Thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar (huyện Kbang) sơn lại hàng rào. Ảnh: Nguyễn Giang

Đặc biệt, khoảng thời gian nghỉ hè, thầy cô trở thành những người thợ không chuyên nhưng cực kỳ tâm huyết. Họ tỉ mẩn đóng lại cho học trò từng chiếc giường nhỏ; cùng phụ huynh làm thư viện xanh, dựng nhà ăn tạm để che mưa, che nắng. Nhiều thầy giáo còn làm thợ cả, phụ hồ xây chuồng để nuôi heo, lấy nguyên liệu làm bánh chưng cho học sinh vào dịp Tết... Còn các cô giáo thì trồng rau, hoa để cải thiện bữa ăn cho học sinh, tô điểm thêm cho khuôn viên trường, tạo môi trường học tập xanh-sạch-đẹp và thân thiện. 

Vừa cẩn thận lắp lại từng tấm kính cửa sổ bị rơi vỡ, thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar-vui vẻ kể: “Mùa hè đầu tiên, chúng tôi quyết định tập trung làm nhà ăn và thư viện. Các thầy cô đều lóng ngóng không biết phải làm thế nào. Một số thầy đóng đinh còn bị thương dập cả bàn tay. Thế mà, sau 3 mùa hè liên tiếp trải nghiệm, giờ đây, các thầy đều trở thành những người thợ mộc, thợ xây “xịn”. Năm nay, các công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng hè đến, giáo viên vẫn tập trung sửa lại bàn ghế, giường, sơn sửa hàng rào và hệ thống cửa khu nhà ở của học sinh”.
Cô Nguyễn Thị Phúc Hậu (trước) cùng các cô giáo của Trường Mầm non Ánh Dương (xã Trà Đa, TP. Pleiku) trang trí lại trường lớp dịp hè. Ảnh: Hồng Thi
Cô Nguyễn Thị Phúc Hậu (trước) cùng các cô giáo của Trường Mầm non Ánh Dương (xã Trà Đa, TP. Pleiku) trang trí lại trường lớp dịp hè. Ảnh: Hồng Thi
Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên mà hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Kbang đã được hoàn thiện, nhiều trường trở thành điểm sáng của toàn tỉnh. Ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang-đánh giá: “Những ngày nghỉ hè của giáo viên thực sự không nhiều vì còn thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Thế nhưng, không ít người trong số họ vẫn tự nguyện cống hiến những ngày hè ít ỏi để chăm chút cho trường lớp. Đến nay, môi trường học tập của 6 trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện đã được hoàn thiện về điều kiện ăn, ở và trở thành ngôi nhà thứ hai của hàng ngàn học trò dân tộc thiểu số”.

Tương tự, thời điểm này, tại Trường Mầm non Ánh Dương (xã Trà Đa, TP. Pleiku), không khí cũng rộn ràng không kém. Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều có mặt tại đây để cùng nhau “tân trang” lại khuôn viên, sân trường, lớp học. Đang chăm chú sơn vẽ lại mảng tường với những họa tiết sinh động, cô giáo Nguyễn Thị Phúc Hậu cho hay: “Gần 3 năm giảng dạy ở trường, mùa hè nào, tôi cũng tình nguyện tham gia sửa sang lại trường lớp. Năm nay, chúng tôi bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 8. Ngoài trang trí, sơn vẽ lại những mảng tường, góc lớp đã cũ, chúng tôi còn xây dựng thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng; đồng thời quy hoạch, trồng rau, hoa và vườn cây thuốc Nam… vừa để phục vụ việc giảng dạy thực nghiệm, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, thu hút trẻ đến lớp. Ai cũng có thể thỏa sức sáng tạo và vô cùng phấn khởi khi hoàn thành tác phẩm chung của tập thể. Với tôi, trải qua những ngày hè thế này thật sự rất có ích và thú vị”.

Các cô giáo Trường Mầm non Ánh Dương (xã Trà Đa, TP. Pleiku) cùng tham gia cải tạo, quy hoạch lại vườn thuốc nam trong khuôn viên trường. Ảnh Hồng Thi.jpg
Các cô giáo Trường Mầm non Ánh Dương (xã Trà Đa, TP. Pleiku) cùng tham gia cải tạo, quy hoạch lại vườn thuốc nam trong khuôn viên trường. Ảnh: Hồng Thi

“Tiếp sức” cho học trò nghèo

Những năm qua, một số giáo viên của Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cũng dành mùa hè của mình cho những việc làm nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, góp phần “tiếp sức” cho học sinh nghèo đến lớp. Hưởng ứng mô hình “Ngân hàng xe đạp” do Ban Giám hiệu nhà trường phát động, liên tiếp 3 mùa hè, thầy Đào Thế Hùng và thầy Nguyễn Văn Ngọc đã lặn lội xuống tận các thôn, làng trong vùng để vận động hoặc tìm mua những chiếc xe đạp cũ. Sau đó, các thầy đem về sửa chữa, làm mới lại để đưa vào “Ngân hàng xe đạp” của trường, dùng hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, không có phương tiện đi học có điều kiện thuận lợi hơn để tới lớp. Từ đầu mùa hè đến nay, thầy Hùng đã vận động được 10 chiếc xe đạp cũ đem về sửa chữa, đồng thời tự bỏ tiền túi mua thêm 5 chiếc xe đạp mới để chuẩn bị hỗ trợ cho học trò khi bước vào năm học 2020-2021. 

Các thầy giáo Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) sửa xe đạp cũ để hỗ trợ học sinh nghèo. Ảnh Hồng Thi.jpg
Các thầy giáo Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) sửa xe đạp cũ để hỗ trợ học sinh nghèo. Ảnh: Hồng Thi
“Dành những ngày hè để tìm mua xe đạp cũ rồi tỉ mẩn ngồi sửa chữa từng con ốc vít, bộ khung xe… tôi thấy rất vui. Dù có hơi vất vả nhưng cứ nghĩ đến việc các em có xe sẽ chăm chỉ và yêu thích đến trường là tôi lại có thêm động lực. Năm nay, trường có khoảng 40 học sinh lớp 5 từ các điểm làng phải ra cơ sở chính học, trong khi số lượng xe đạp hiện có lại tương đối ít. Vì vậy, tôi và các giáo viên trong trường đang cố gắng tìm thêm càng nhiều xe càng tốt để có thể hỗ trợ tối đa cho các em”-thầy Hùng tâm sự.
Kỳ nghỉ hè không còn nhiều, vì thế, thời điểm này cũng là lúc “những người thợ đặc biệt” phải đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công việc, sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất có thể để đón học sinh thân yêu bước vào một năm học mới với nhiều kỳ vọng.
NGUYỄN GIANG-MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.