Bảo vệ cơ sở vật chất trường học dịp hè: Nơi chú trọng, chỗ lơi lỏng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bảo vệ cơ sở vật chất trường học trong dịp hè là nhiệm vụ quan trọng không chỉ với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà của cả chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị chú trọng làm tốt công tác này thì một số trường học vẫn chưa thực sự quan tâm.
 


Khuôn viên trường học thành nơi chăn thả gia súc

Điểm trường làng Tơ Nung của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Hbông, huyện Chư Sê) nằm sát quốc lộ 25 với 3 dãy nhà xây kiên cố. Mới đây, khi đi ngang qua nơi này, chúng tôi thấy cổng chính mở toang, trong sân trường có 2 con dê đang thảnh thơi gặm cỏ. Hành lang 3 dãy phòng học chi chít dấu chân, chất thải động vật; trên tường, nền gạch hoa bám đầy bụi đỏ.

Trong khi đó, ở góc sân Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa có 1 con bò đang gặm cỏ. Cô Mai Thị Hồng Tâm-Hiệu trưởng nhà trường-lý giải: “Con bò này của một người dân ở cạnh trường. Thấy sân trường cỏ nhiều nên gia đình họ xin thả trong này vì không có học sinh”.

  Một đàn dê “dạo chơi” trong sân Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa). Ảnh: H.S
Một đàn dê “dạo chơi” trong sân Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa). Ảnh: H.S


Tương tự, trong sân Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa), chúng tôi chứng kiến khoảng 10 con dê đang ăn cỏ, lá cây trong các chậu cây cảnh, bồn hoa. Cổng trường chỉ buộc tạm bởi một sợi dây thép. Điểm trường làng HBel của Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng đã có hàng rào kiên cố bao quanh nhưng bên trong khuôn viên vẫn có 3 con bò đang gặm cỏ.

Ông La Văn Nam-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Pa-cho biết: “Kết thúc năm học 2019-2020, chúng tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở các trường chú trọng công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất trong dịp hè để tránh bị hư hại, mất mát. Dù vậy, do có nhiều trường gặp khó khăn trong việc hợp đồng nhân viên làm công tác bảo vệ nên trong hè đã xảy ra tình trạng gia súc vào ăn cỏ trong khuôn viên trường hoặc trẻ em ném đá làm vỡ kính cửa phòng học”.

Bò gặm cỏ trong Điểm trường làng H'Bel của Trường TH và THCS Kpă Klơng. Ảnh: Hoành Sơn
Bò gặm cỏ trong điểm trường làng H'Bel của Trường TH và THCS Kpă Klơng. Ảnh: Hoành Sơn


Tại thị xã An Khê, bà Nguyễn Đặng Yên Linh-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (xã Song An) thừa nhận đang gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất tại điểm trường làng Pốt. “Điểm trường này cách trường chính hơn 3 km. Trong năm học vừa qua, một số hộ dân trong làng để gia súc vào khuôn viên trường phá hoa, cây cảnh. Ngoài ra, một số cửa kính phòng học cũng bị đập bể. Nhà trường đã báo với UBND xã để cùng giải quyết việc này. Trong dịp hè năm nay, nhà trường phối hợp với chi bộ, trưởng thôn thực hiện công tác bảo vệ trường lớp nên hạn chế được tình trạng gia súc của người dân thả rông trong sân trường”-bà Linh cho hay.

Nhà trường và chính quyền chung tay bảo vệ

Để cơ sở vật chất trường học không bị mất mát, hư hỏng trong dịp hè, ngành GD-ĐT cùng các cấp chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ. Trường Tiểu học và THCS Phan Bội Châu (xã Phú An, huyện Đak Pơ) có 3 điểm trường cách xa nhau 2-3 km. Nhà trường đã lắp hệ thống camera an ninh tại 2 điểm trường. Nhờ đó, việc quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất được thuận lợi. Riêng điểm trường làng Đê Chơ Gang, nhà trường đã làm việc với trưởng thôn và phụ huynh để nhờ trông coi giúp trong hè.

Thầy Thái Đình Hà-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh nên những năm qua, cơ sở vật chất của trường được bảo đảm, không bị mất mát hay hư hại, nhất là trong dịp hè”.

Điểm trường làng Pốt của Trường Tiểu học Trần Phú được giáo viên và người dân trong làng cùng bảo vệ trong hè. Ảnh: Ngọc Minh
Điểm trường làng Pốt của Trường Tiểu học Trần Phú được giáo viên và người dân trong làng cùng bảo vệ trong hè. Ảnh: Ngọc Minh


Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai), một số giáo viên được phân công trực trong dịp hè để bảo vệ cơ sở vật chất và quét dọn vệ sinh khuôn viên trường. Hai nhân viên hợp đồng cũng thay phiên có mặt 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trường lớp. Về phía Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, từ tuần học cuối cùng của năm học 2019-2020 đã chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ trường lớp; tổ chức kiểm đếm tài sản và niêm phong để thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ.

“Chúng tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở các trường triển khai các biện pháp bảo vệ cơ sở vật chất để tránh mất mát, hư hỏng do thời tiết; thực hiện nghiêm túc việc quản lý hóa chất độc hại và các phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường cắt cử người trực, kiểm tra phòng ốc nhằm tránh xảy ra cháy nổ do bất cẩn; cắt tỉa cây xanh tránh gây đổ ngã làm hư hại cơ sở vật chất, nguy hại đến tính mạng con người. Đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy các trường học đều thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ, quản lý cơ sở vật chất trong hè”-ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai-cho hay.

Ông Ksor Choan-Phó Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Ayun Pa-cho biết: “Trong buổi họp cuối cùng năm học 2019-2020 với các hiệu trưởng, chúng tôi đã giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các trường phối hợp với chính quyền xã, phường trong việc bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp trong hè. Các trường phải lên lịch phân công giáo viên, nhân viên trực trường đầy đủ. Ngoài ra, trong dịp hè hàng năm, chúng tôi còn tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất ở các trường học trên địa bàn. Có đoàn kiểm tra, các trường sẽ thực hiện nghiêm túc hơn công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất trường học”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp dịp hè là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các trường học. Kết thúc năm học, các trường đều xây dựng kế hoạch bảo vệ và phân công lãnh đạo, giáo viên, nhân viên túc trực. Hiện nay, nhiều trường làm công tác tuyển sinh và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nên thường xuyên có giáo viên ở trường. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ cơ sở vật chất được đảm bảo. Tính từ ngày 15-7 đến nay, chưa có trường học nào trên địa bàn tỉnh báo cáo với Sở GD-ĐT xảy ra các vụ mất mát tài sản hay bị hủy hoại tài sản. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường, nhất là điểm trường lẻ xuất hiện tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm trong khuôn viên. Nguyên nhân là do nhiều trường thiếu nhân lực; chưa có hàng rào bao quanh”.

HOÀNH SƠN-NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.