Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020: Tự chủ và thuận lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố vào đầu tháng 5 vừa qua được học sinh và phụ huynh rất quan tâm. Bên cạnh những thuận lợi, nhiều điểm mới trong quy chế này cũng khiến các cơ sở giáo dục và thí sinh gặp khó khăn nhất định.



Các trường đại học tự chủ tuyển sinh

Đại diện các cơ sở giáo dục cho rằng, Quy chế tuyển sinh năm nay không có quá nhiều khác biệt so với những năm trước, chỉ bổ sung một vài điểm mới để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Theo đó, Quy chế quy định chung về tuyển sinh các loại hình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và thay thế cho tất cả nội dung liên quan tới quy chế tuyển sinh của từng loại hình đào tạo trước đây. Từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Mầm non (theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020). Ngoài thí sinh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Bộ GD-ĐT, diện tuyển sinh còn được mở rộng hơn ở nhóm các thí sinh đã tốt nghiệp THPT của nước ngoài và thí sinh nước ngoài có nguyện vọng học đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo về y khoa, sư phạm. Ngoài ra, nếu năm 2019, số lượng tổ hợp được dùng trong một ngành đào tạo chưa được đề cập thì năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT phải sử dụng kết quả của 3 bài thi hoặc môn thi, trong đó ít nhất có một trong 2 môn Toán và Ngữ văn để tạo thành tổ hợp. Các bài thi đưa vào tổ hợp phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo và trường, không sử dụng quá 4 tổ hợp bài thi/môn để xét tuyển cho một ngành.

Việc các trường đại học, cao đẳng đưa ra nhiều phương án tuyển sinh giúp học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển. Ảnh: Mộc Trà
Việc các trường đại học, cao đẳng đưa ra nhiều phương án tuyển sinh giúp học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển. Ảnh: Mộc Trà



Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai-cho biết: Chủ trương của Bộ GD-ĐT là cho các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải đảm bảo khách quan, minh bạch và công bằng. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý. Thêm vào đó, Quy chế tuyển sinh năm 2020 còn bổ sung điều kiện mà các cơ sở đào tạo đại học phải đáp ứng nếu muốn tổ chức thi riêng. Việc này khiến hàng loạt trường đại học tốp trên hay khối ngành sức khỏe lên phương án tuyển sinh riêng rồi sau đó lại đồng loạt thông báo hủy bỏ vào phút chót do chưa thể đảm bảo tất cả các điều kiện theo quy định.

“Vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên năm nay, đa số trường đại học, cao đẳng đều phải điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là về phương thức và việc phân bổ lại chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. Tính đến ngày 31-5, các trường đã chốt phương án tuyển sinh. Riêng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh áp dụng 4 phương án xét tuyển tại cơ sở chính cùng 2 phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận, gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT; 40% chỉ tiêu dựa trên học bạ (trong đó dựa trên kết quả học tập của 5 kỳ bậc THPT, trừ học kỳ II năm lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020 và 6 kỳ bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2018, 2019; tổng điểm tổ hợp 3 môn phải đạt từ 18 điểm trở lên và không có môn nào trong đó dưới 5 điểm); 50% dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 10% dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh tại phân hiệu Gia Lai là 390 sinh viên; trong đó có 1 ngành mới là Bất động sản với dự kiến khoảng 40 chỉ tiêu”-TS. Trần Cao Bảo thông tin.

Cũng theo nhận định của Phó Giám đốc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức được đa số trường đại học ưu tiên lựa chọn với tỷ lệ cao. Bởi lẽ, với cách ra đề đảm bảo tính phân hóa, cộng với sự nghiêm túc trong quá trình tổ chức kỳ thi, đây vẫn là giải pháp tuyển sinh công bằng, chất lượng.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Kim Cúc-giáo viên Trường THPT Pleiku-cho hay: “Tôi vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh có con đang học lớp 12 nên đã tìm hiểu vấn đề này khá kỹ lưỡng. Căn cứ vào phương án tuyển sinh năm nay mà các trường đại học đã công bố, tôi nhận thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn rất được coi trọng. Do đó, bên cạnh tăng cường ôn luyện cho học sinh theo đúng trọng tâm, trọng điểm, tôi thường xuyên động viên các em phải thật bình tĩnh, tránh hoang mang và ngược lại cũng không được chủ quan để chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức thật đầy đủ, gặt hái được điểm số cao trong kỳ thi quan trọng sắp đến”.

Về phía học sinh, các em cũng được giải tỏa nhiều nỗi lo khi hiểu rõ về những quy định mới. Em Võ Đại Nghĩa  (lớp 12A7, Trường THPT Pleiku) chia sẻ: “Lúc đầu, em cũng thấy lo lắng vì năm nay có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, được sự động viên từ phía thầy cô, gia đình nên em đã lấy lại được tinh thần. Em mong muốn trở thành sinh viên chuyên ngành Công nghệ ô tô của Trường Đại học Bách khoa hoặc Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Em cũng đăng ký tham gia thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào giữa tháng 8 tới. Lớp em có khoảng 20 bạn cũng tham dự kỳ thi này”.

Tạo thuận lợi cho học sinh

Những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 đã mang tới cho học sinh không ít thuận lợi để bước vào ngưỡng cửa đại học. Trong đó, việc phần lớn các trường đại học đều sử dụng phương thức xét tuyển học bạ được cho là một cơ hội lớn. Hàng loạt trường đại học tốp trên chưa từng có tiền lệ xét tuyển bằng học bạ đều đã đưa ra chỉ tiêu khá cao cho phương thức này. Do đó, những học sinh nào lựa chọn phương thức này để xét tuyển đã không còn cảm thấy quá áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Em Hoàng Thị Kiều Diễm (lớp 12B3, Trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ) bày tỏ: “Sau khi được các thầy cô của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tây Nguyên tư vấn, phân tích những điểm mới cũng như thuận lợi, khó khăn trong tuyển sinh năm nay, em nhận thấy mình có rất nhiều cơ hội để vào đại học, kể cả các trường đại học tốp trên bằng học bạ nên không còn bị áp lực nhiều về thi cử. Tuy nhiên, em vẫn đang nỗ lực ôn tập, cố gắng đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới để sử dụng cả 2 phương thức xét tuyển bằng điểm thi và học bạ, tăng thêm cơ hội cho mình”.

Học sinh Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) đặt câu hỏi trong đợt tư vấn tuyển sinh do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai tổ chức. Ảnh Mộc Trà
Học sinh Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) đặt câu hỏi trong đợt tư vấn tuyển sinh do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai tổ chức. Ảnh: Mộc Trà



Ngoài ra, việc Bộ GD-ĐT quy định rõ học sinh chỉ được lựa chọn một trong 2 tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội để đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã buộc các em phải lựa chọn kỹ lưỡng về tổ hợp thế mạnh và giúp các trường THPT tập trung ôn tập cho các em. Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku-cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này vì sẽ giúp học sinh xác định rõ năng lực của bản thân và tập trung ôn luyện, thay vì cứ băn khoăn rồi chọn cả 2 tổ hợp, gây lãng phí thời gian, công sức”. Cũng theo thầy Trung, mặc dù năm nay, nhiều trường đại học sử dụng thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn phương thức xét tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, nhà trường đang tăng cường ôn luyện cho học sinh thi tốt nghiệp THPT.

Tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới cũng là khuyến cáo của TS. Trần Cao Bảo dành cho học sinh. Theo ông, kết quả của kỳ thi này vẫn là nguồn dữ liệu đáng tin cậy về chất lượng giáo dục để nhiều trường đại học tốp trên ưu tiên sử dụng xét tuyển. Còn đối với kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức cũng sẽ giúp học sinh tăng cơ hội xét tuyển nhưng không nhiều vì tỷ lệ xét tuyển bằng điểm này của các trường chỉ ở khoảng 10-15%. Do đó, các em không cần quá chú tâm đến kỳ thi năng lực để phải chịu thêm áp lực trong thời điểm này.

Tiến sĩ Trần Cao Bảo giải đáp thắc mắc về những quy định trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 cho học sinh Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh Mộc Trà
Tiến sĩ Trần Cao Bảo giải đáp thắc mắc về những quy định trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 cho học sinh Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Mộc Trà

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10-8 với 5 bài thi: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Theo TS. Trần Cao Bảo, sở dĩ các trường đại học thận trọng trong phương thức xét tuyển và ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là vì nỗi lo học bạ được “làm đẹp”. Do đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ tuy thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Làm thế nào để đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không buông rơi chất lượng ngay từ đầu vào là điều mà các trường đại học phải tính kỹ khi được phép tự chủ trong tuyển sinh năm 2020. “Quy định học sinh chỉ được chọn một trong 2 tổ hợp để dự thi tốt nghiệp THPT cũng gây ra một số hạn chế về khối, ngành tuyển sinh đại học. Những ngành có kết hợp các môn ở cả 2 khối tự nhiên và xã hội (chẳng hạn như Toán-Hóa-Sử) sẽ buộc các trường đại học lẫn thí sinh phải chọn thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ bên cạnh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp”-ông Bảo phân tích.
 

 MỘC TRÀ-NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.