Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tạo môi trường thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần, thời gian qua, nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực đã được gia đình và xã hội chung tay thực hiện.

 

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được gia đình và xã hội quan tâm. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được gia đình và xã hội quan tâm. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Hướng về thiếu nhi vùng khó

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 là dịp trẻ em háo hức chờ đón những món quà thể hiện tình cảm yêu thương của mọi người dành cho. Với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như Pếh (8 tuổi) và Buk (6 tuổi, làng Kon Pơ Dram, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) thì món quà nhận được càng thêm phần ý nghĩa. Bố không có việc làm, mẹ bị bệnh tâm thần, 4 người anh của Pếh đều không biết chữ, qua người quen giới thiệu đã dắt nhau vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Tết Thiếu nhi mọi năm, Pếh và Buk vẫn được nhận bánh kẹo, được tham gia các trò chơi do chi đoàn làng tổ chức. Năm nay, món quà mà 2 em được nhận có giá trị và chứa đựng nhiều tình cảm hơn thế. Đó là suất học bổng tiếp sức đến trường (mỗi suất 1 triệu đồng) vừa được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao tặng vào chiều 26-5. Đầu năm 2019, gia đình 2 em còn được Huyện ủy Đak Đoa xây tặng 1 căn nhà kiên cố trị giá gần 100 triệu đồng. Pếh nói: “Em mới học lớp 1. Nhưng được đi học là em vui rồi, lại được các cô, các chú quan tâm giúp đỡ, tặng quà”.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn và Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng bằng khen và học bổng cho thiếu nhi tại Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó. Ảnh: Phan Lài
Đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn và Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng bằng khen và học bổng cho thiếu nhi tại Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó. Ảnh: Phan Lài



“Một triệu ly sữa” là tên gọi chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa do Hội đồng Đội Trung ương phát động với mục đích kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình được triển khai từ tháng 5 đến tháng 8-2020. Hưởng ứng chương trình này, những ngày qua, các tổ chức Đoàn-Đội trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng vận động, phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để tặng sữa cho thiếu nhi.

Trường Tiểu học Hà Bầu (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) được Hội đồng Đội tỉnh chọn để phát động chương trình “Một triệu ly sữa” vào trung tuần tháng 5. Đa số học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn nên chẳng mấy khi các em được uống sữa. Tại đây, Huyện Đoàn, Hội đồng Đội huyện Đak Đoa đã tặng 20 thùng sữa cho thiếu nhi xã Hà Bầu. Đồng thời, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho 10 em thiếu nhi mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt; Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng 30 suất quà (300.000 đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vừa được tặng học bổng vừa được uống sữa, em HTuệ (lớp 5B) chia sẻ: “Bố mẹ mất lâu rồi nên em ở với ông bà ngoại. Gia đình khó khăn nhưng em vẫn được ông bà cho đến trường. Nhận được những món quà ý nghĩa từ chương trình, em rất vui và sẽ cố gắng học tốt hơn nữa”.

Nhân Tháng Hành động vì trẻ em năm nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cũng xây mới 4 căn nhà tình nghĩa (50 triệu đồng/nhà) tặng các em có hoàn cảnh đặc biệt. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch trao 50 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong tỉnh. Sáng 1-6, tại huyện Kông Chro, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh sẽ tổ chức chương trình “Một triệu ly sữa” giai đoạn 2 cho trẻ em nghèo; đồng thời, tặng hơn 1.000 quyển sách, báo và 30 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi dành cho các em.

Phòng-chống xâm hại trẻ em

Tháng Hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 15-5 đến 30-6 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng-chống xâm hại trẻ em”. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 102 trẻ em bị xâm hại; trong đó, 88 trẻ em bị xâm hại tình dục, 8 trẻ em bị tử vong do xâm hại. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền trẻ em. Đặc biệt, nhiều trẻ bị sang chấn tinh thần, bị xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm.

 Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh tặng học bổng cho học sinh khó khăn ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) tại chương trình “Một triệu ly sữa”. Ảnh: P.L
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh tặng học bổng cho học sinh khó khăn ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) tại chương trình “Một triệu ly sữa”. Ảnh: P.L



Vì vậy, để phòng-chống xâm hại trẻ em, thời gian qua, nhiều cơ quan, địa phương đã thực hiện hiệu quả mô hình dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có Văn phòng Tư vấn Trẻ em ở 2 huyện Mang Yang, Chư Sê và Phòng Dịch vụ Công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh). Chia sẻ về mô hình này, bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-cho biết: “Hàng năm, UBND huyện hỗ trợ kinh phí tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc phòng-chống xâm hại trẻ em trong cộng đồng. Phòng cũng cung cấp đường dây nóng để trẻ em liên hệ khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho trẻ em về các bước phòng vệ bản thân”.

Để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Hội đồng Đội tỉnh đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn triển khai thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng-chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2018-2022”. Theo đó, tổ chức Đoàn-Đội các cấp tăng cường rèn luyện kỹ năng xã hội cho đội viên, trang bị cho các em một số kỹ năng cần thiết về tự vệ, thoát hiểm, giáo dục giới tính... Bên cạnh đó, các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ giáo viên tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn cơ sở cũng được tổ chức thường xuyên. Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: “Bên cạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo tổ chức Đoàn-Đội các cấp chủ động tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại địa phương để chuẩn bị nội dung tham gia Chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em” năm 2020”.

Theo bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, nhân Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020, Ban Quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng quỹ, tạo nguồn lực để thực hiện các chương trình vì trẻ em; chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả, đúng với ý nghĩa ươm mầm xanh tương lai cho đất nước thì rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng.

ĐINH YẾN - PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.