Trẻ em nông thôn mưu sinh mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tạm xa trường lớp trong thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19, những trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đã trở thành những lao động thực thụ, phụ giúp nhiều việc cho gia đình.
Tại các huyện phía Đông Nam tỉnh, đây là thời điểm người dân đang thu hoạch cây thuốc lá. Được nghỉ học dài ngày, nhiều em tranh thủ xiên thuốc lá thuê. Tùy theo sức của mình, các em có thể xiên được 15-30 xâu/buổi, mỗi xâu được trả 2.000 đồng. Với thời gian thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng, trẻ em nơi đây có thể sử dụng trọn vẹn kỳ nghỉ này cho những việc có ích để phụ giúp gia đình.
 Làm quen với cây thuốc lá từ khi được mẹ địu trên lưng nên chẳng cần ai chỉ bảo, những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi vừa cười nói vui vẻ, vừa thoăn thoắt xiên từng xâu thuốc lá trông rất lành nghề. Em Rcom H’Chi-học sinh lớp 6 Trường THCS Trường Chinh (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) cho biết: “Từ khi nghỉ học, em về nhà bà nội để xiên thuốc lá. Nếu làm nhanh, từ 7 giờ đến 12 giờ, em có thể xiên được 20 xâu. Em không thấy mệt mỏi hay khó khăn gì trong việc này”.
Các em học sinh xiên thuốc lá để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong thời gian tạm nghỉ học. Ảnh: V.C
Các em học sinh xiên thuốc lá để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong thời gian tạm nghỉ học. Ảnh: V.C
Bên cạnh việc xiên thuốc lá thì chăn bò, chăn dê phụ gia đình cũng là việc thường ngày của các em nhỏ người dân tộc thiểu số. Con bò, con dê vốn đã gắn bó với đời sống người Jrai bao đời nay, giúp bà con cải thiện cuộc sống, vì vậy chúng luôn được nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận. Hôm nào cũng vậy, cứ 8 giờ sáng là cậu bé Siu Trung (thôn 2, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) lại đảm nhận nhiệm vụ chăn dắt đàn bò 5 con của gia đình. Dáng gầy gò, Trung lững thững đi sau đàn bò ra tới cánh đồng làng. Trước đây, do bận học nên em chỉ phụ cha mẹ vào thứ bảy, chủ nhật. Nay thì ngày nào em cũng đi chăn bò từ sáng tới xế chiều mới về, đến khi con nào con nấy bụng no căng là coi như em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Em bảo: “Ở nhà buồn lắm, chẳng có ai chơi cùng. Đi chăn bò vui hơn, thả bò gặm cỏ rồi tụi em chơi đập đất, bắn bi”.
Trong khi đó, ở vùng ruộng trũng, mùa này nước cạn nên đám trẻ rủ nhau từng tốp 2-3 đứa, xắn quần, lội nước bắt ốc bươu, được ít thì dành cải thiện bữa ăn gia đình, kha khá thì đem bán với giá 4.000-5.000 đồng/kg. Với các em, đây là công việc nhẹ nhàng và mang lại nhiều niềm vui, vừa có tiền mua kẹo bánh, vừa có bữa ăn ngon cho cả gia đình.
Không ti vi, không điện thoại, trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu mùa này vẫn tất bật cùng cha mẹ mưu sinh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.