Sinh viên phải làm gì khi robot cạnh tranh công việc với con người?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các diễn giả cho rằng sinh viên cần giỏi công nghệ, ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng mềm để bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 22/9, sự kiện Chào tân sinh viên 2019: Z - Thế hệ làm chủ công nghệ được tổ chức tại Hà Nội, nhằm thúc đẩy sinh viên chủ động trang bị kiến thức về công nghệ, tăng cường cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0. Tại đây, hàng loạt con số ấn tượng được nêu ra.
Trong báo cáo mới nhất của Brookings Institution đầu năm 2019, 1/4 lực lượng lao động tại Mỹ có thể bị thay thế bằng robot tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
 
Diễn giả Đinh Trường Giang chia sẻ về những điều sinh viên phải làm trong thời đại số. Ảnh: Q.Q. 
Cũng theo một báo cáo của Oxford Economics, khoảng 2,25 triệu robot đang được sử dụng trên toàn thế giới và con số này đã tăng lên gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Trong 20 năm tới, trữ lượng robot toàn cầu sẽ đạt tới 20 triệu vào năm 2030, 14 triệu trong số đó tập trung tại Trung Quốc.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo với chính phủ các nước về việc tự động hóa, robot và toàn cầu hóa có thể xóa sổ gần một nửa số công việc trong 20 năm tới. Trong đó, nhóm những người lao động trẻ, có tay nghề thấp, làm bán thời gian và ngắn hạn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Stefano Scarpetta - Giám đốc phụ trách các vấn đề việc làm, lao động và xã hội của OECD - cho rằng công nghệ đang khiến các nền kinh tế thay đổi cấu trúc, mở ra nhiều cơ hội nhưng không phải ai cũng có thể trang bị tốt cho mình để nắm bắt những cơ hội này.
Bởi vậy, thế hệ Z (những bạn trẻ độ tuổi 1996-2012) cần chuẩn bị nhiều kỹ năng, kiến thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Theo diễn giả Đinh Trường Giang, cựu sinh viên xuất sắc ĐH Bách khoa Hà Nội, không một giáo trình, tài liệu nào cập nhật kịp thời những xu hướng phát triển mới ngoài kia. Môi trường cạnh tranh gay gắt không có chỗ cho tư duy cũ kỹ.
Đinh Trường Giang là ông chủ của nhiều phát minh ấn tượng như thiết bị chống ngủ gật cho người lái xe ôtô, robot leo tường, xe tự hành.
Ở mọi ngành nghề, sự cạnh tranh giữa người với người, giữa người với robot đòi hỏi chúng ta càng ngày càng phải "khôn" hơn. Mỗi sinh viên cần có nhiều kỹ năng, tích lũy tri thức ở tầm cao, đặc biệt là công nghệ và ngôn ngữ.
Cũng theo Trường Giang, 4 yếu tố giúp các thành viên của thế hệ Z trở thành công dân toàn cầu đó là khả năng ứng dụng công nghệ, khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ, kỹ năng mềm và sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.
Diễn giả Lê Công Thành, Thạc sĩ ĐH Paris XI, gửi lời khuyên sinh viên hãy học tập và làm chủ công nghệ, nỗ lực tìm hiểu nhu cầu trong thực tiễn xã hội để phát minh thật nhiều, giúp ích cho đất nước.
TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh sinh viên cần biết cách tự học để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, sử dụng ngoại ngữ tốt. Kỹ năng mềm chiếm 80% yêu cầu của nhà tuyển dụng như giải quyết công việc, làm chủ thời gian cùng kinh nghiệm thực tế. 
Quyên Quyên (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.