Cận cảnh "chợ" lao động tự phát ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, trên địa bàn TP. Pleiku xuất hiện một số “chợ” lao động tự phát. Đây là nơi những người không có việc làm ổn định tập trung với mong muốn tìm việc làm thuê để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Ai thuê gì làm nấy         
Khu vực Công viên Nguyễn Viết Xuân (phường Hội Phú, TP. Pleiku) từ lâu đã hình thành “chợ” lao động tự phát. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Hầu hết những người đến đây tìm việc đều sống ở các xã, phường trên địa bàn thành phố. Điểm chung của họ là không có đất sản xuất, cũng không có việc làm ổn định. Mỗi ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng, họ tập trung về đây, mang theo xà beng, cuốc, xẻng, dao rựa để chờ người đến thuê đào móng nhà, làm cỏ, hốt xà bần, bốc vác gạch, đá...
Anh Đang (làng Chuét 1, xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đứng đợi ở đây để chờ việc, ai thuê gì thì làm nấy. Chúng tôi ai cũng mong có người thuê làm việc gì đó để có thu nhập”. Khi chúng tôi hỏi vì sao không xin đi làm công nhân ở các doanh nghiệp để có thu nhập ổn định, anh Đang nói: “Xin việc ở đâu giờ cũng cần bằng cấp, trình độ. Mình chẳng học hành tử tế nên khó xin việc lắm”. 
Dạo quanh một số nơi trên địa bàn TP. Pleiku, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều “chợ” lao động tự phát. Khi thấy chúng tôi tiến lại gần, tưởng là người đến thuê lao động, họ liền chạy tới hỏi han. Anh Tùng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã có thâm niên “thợ đụng” kiểu này hơn 3 năm chia sẻ: “Thời buổi này khó kiếm việc lắm. Hôm nào may mắn mới có người thuê. Đó là chưa kể những ngày mưa, không có ai thuê mướn thì túng lắm”.
 Nhiều người tập trung tại Công viên Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku) để chờ việc. Ảnh: H.P
Nhiều người tập trung tại Công viên Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku) để chờ việc. Ảnh: H.P
Cùng chung hoàn cảnh, ông Y Bui (làng Do Guăh, xã Chư Á) thổ lộ: “Trước đây, gia đình tôi có 2 sào ruộng, thu nhập chẳng đáng là bao nhưng còn có việc để làm. Khi vợ bị bệnh, tôi phải bán ruộng để có tiền thuốc men. Do không còn đất sản xuất, tôi phải tìm việc khắp nơi. Tùy công việc, có ngày tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có hôm chẳng được đồng nào vì không ai thuê”.
Khó giải quyết việc làm         
Trong quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn hiện nay, việc hình thành các “chợ” lao động tự phát là tất yếu. Tuy nhiên, việc hình thành những “chợ” lao động này ở góc độ nào đó đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh trật tự. Đây là vấn đề không chỉ riêng ở TP. Pleiku mà hầu hết các đô thị ở nước ta đều gặp phải song không dễ giải quyết. Ông Võ Văn Nhân-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-cho biết: Để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, hàng năm, Phòng tổ chức các lớp dạy nghề lao động theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Công tác giải quyết việc làm cho những lao động đã qua đào tạo khá thuận lợi. Còn lao động không qua đào tạo rất khó giải quyết việc làm.
Cũng theo ông Nhân, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ đất sản xuất. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do, tư liệu sản xuất không còn, họ lại rơi vào cảnh khó khăn, không có việc làm. Việc hỗ trợ này chỉ mang tính cấp thiết, còn về lâu về dài thì phải có giải pháp căn cơ hơn giúp họ đổi được nghề nghiệp. 
Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Ngô Thị Xuân Hồng-Chủ tịch UBND phường Hội Phú-cho biết: Nhiều năm qua, trên địa bàn phường hình thành “chợ” lao động tự phát ở khu vực Công viên Nguyễn Viết Xuân. Số người lao động tập trung ở đây đều đến từ các làng xung quanh thành phố, thường xuyên thiếu việc làm. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ ở đây chờ việc. Số lượng cũng như con người cụ thể ở đây thường biến động. Chúng tôi chỉ đạo Đội trật tự đô thị của phường thường xuyên nhắc nhở họ giữ gìn vệ sinh, không gây ồn ào, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.