Thị trường lao động năm 2019 "khát" nhân lực chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi những ngành nghề như điện, điện tử thu hút nhiều lao động có chất xám thì ngành dệt may lại đối diện với nhiều thách thức.
"Năm 2019, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP khoảng 6,6%-6,8%... Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo cho thấy số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng, đạt con số khoảng 56 triệu lao động". Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhận định như vậy.
Giảm dần lao động giản đơn
Theo các chuyên gia, trong năm 2019, thị trường lao động sẽ chuyển dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp (DN) do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện vào cuối năm 2018. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019 của các DN tiếp tục tăng, trong đó cao nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài với tỉ lệ trên 48,8%. Xét theo nhóm, công nghiệp - xây dựng là nhóm ngành có sức hút lao động lớn nhất với trên 70% trong tổng số lao động dự kiến tuyển dụng thêm; tiếp đến là ngành dịch vụ với trên 28,7%, cuối cùng là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Theo khảo sát của VietnamWorks, 74% nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Trong đó, 33% DN có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự với nhu cầu tuyển dụng trên 30%, trong đó 15% DN sẽ tăng từ 30%-40%; 15% tăng từ 40%-50% và 3% tăng đến trên 50%. Số DN còn lại, có 33% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 10%-20% và 26% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 20% -30%.
Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức
Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam, dự đoán sau Tết, lĩnh vực điện tử tiêu dùng sẽ tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng, một số công ty sẽ vào thị trường Việt Nam và đó sẽ là cơ hội lớn cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Nhu cầu về các vị trí marketing trong ngành đang ngày càng tăng, đặc biệt là đến từ các công ty đa quốc gia. Trong bối cảnh nhân sự đang có phần thiếu hụt, các DN lĩnh vực này vẫn chấp nhận tuyển ứng viên đến từ ngành khác như ngành hàng tiêu dùng nhanh. Bên cạnh đó, nhân lực trong mảng công nghiệp điện tử cũng sẽ khan hiếm do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, các DN này đang đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các DN hiện tại, nên ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang môi trường mới. "Trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, mảng sản xuất điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao, thuộc các vị trí như: Quản lý nhà máy; giám sát; cấp quản lý và trợ lý cho khối văn phòng" - ông Gaku Echizenya nhấn mạnh.
Dệt may gặp nhiều thách thức
Theo các chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam, thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn, đồng thời với lợi thế về mức giá nhân công cạnh tranh, Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều việc làm mới cũng được tạo ra. Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc và cả các công ty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao… có xu hướng chuyển đơn hàng và hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và cạnh tranh nhất cho việc dịch chuyển của những DN này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng: "Đứng trước xu hướng tuyển dụng tăng cao trong lĩnh dệt may, DN phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong tuyển dụng và giữ chân nhân lực. Nguyên nhân do ngành dệt may luôn khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp cao vừa có kỹ năng chuyên sâu về ngành và có thể giao tiếp tiếng Anh. Hiện nay, một số DN do khả năng cạnh tranh hạn chế đã buộc phải thu hẹp sản xuất, dẫn đến tình trạng công nhân thiếu việc làm.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH: Tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn còn cao
"Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp. Về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế. Cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỉ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỉ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao".
Nguyễn Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.