Chư Pưh: Tập trung giải quyết việc thu hồi đất khu TĐC làng Ia Bia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, việc thu hồi đất khu tái định cư của huyện Chư Pưh, Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn do việc buôn bán viết tay giữa các người dân và hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên đất quy hoạch tái định cư. Việc này đã gây không ít áp lực cho chính quyền. Vì vậy, để thực hiện được việc quản lý đất đai tại địa phương một cách triệt để, huyện Chư Pưh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Lấn chiếm, trồng cây trên đất quy hoạch

Để có mặt bằng đất giao cho các hộ dân tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thuộc làng Ia Bia, xã Ia Le, huyện Chư Pưh và triển khai thi công Công trình Đơn nguyên cầu 110, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Ia Le, thông báo cho các hộ lấn chiếm, canh tác tự di dời trả lại mặt bằng đến hết ngày 18-1-2019. Theo ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, khu vực đất này trước đây là đất rừng. Năm 2008, khu đất này được giao cho UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh để quy hoạch khu tái định cư làng Ia Bia với diện tích 60 ha. Chính quyền địa phương đã chuyển đổi, san ủi mặt bằng giao đất, nhà ở cho 98 hộ tái định cư để ổn định sinh hoạt, sản xuất với diện tích 24 ha. Trong thời gian chờ quy hoạch tái định cư làng mới thì một số hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số xin chính quyền xã để trồng một số cây trồng ngắn ngày chủ yếu là cây mỳ, cây bắp và cam kết khi nào nhà nước thu hồi thì sẽ trả lại cho nhà nước. Riêng phần đất còn lại với diện tích 36 ha nằm dọc quốc lộ 14 được giao cho chính quyền địa phương quản lý và sử dụng cho công tác quy hoạch của xã Ia Le.

 Diện tích đất quy hoạch khu tái định cư làng Ia Bia. Ảnh: Ngọc Thu
Diện tích đất quy hoạch khu tái định cư làng Ia Bia. Ảnh: Ngọc Thu

Nguyên là Chủ tịch UBND xã ia Le, nay là Bí thư chi bộ làng Kênh Săn, xã Ia Le-ông Siu Trun cũng khẳng định: “Tôi ở đây đã lâu và nguyên là cán bộ xã đã biết năm 2008 khu đất này không có ai ở, người đồng bào ở đây thấy đất trống nên xin trồng  một số cây trồng ngắn ngày để thêm nguồn lương thực. Chính quyền bảo ai muốn làm thì viết giấy xin và có cam kết để chính quyền giải quyết, và nhiều hộ đồng bào ở đây đã tròng một số cây nhưng không mang lại hiệu quả”.

Sau một thời gian sản xuất cây trồng trên khu vực đất này, đã có một số hộ người kinh đến đây buôn bán nhỏ lẻ dọc 2 bên đường và có sự thỏa thuận ngầm, mua lại một số diện tích đất của hộ đồng bào, bằng những tờ mua bán viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương.

Bà Siu Ngok-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Le, Bí thư Chi bộ thôn Ia Bia xác nhận: “Tôi ở đây lâu, có người quen làm ở đất này nhưng đất xấu quá không hiệu quả nên họ mua bán, nhưng mua bán thì đưa tiền và nói miệng thôi, có một số người thì có giấy viết tay, nhưng người đồng bào thì cứ nhận tiền thôi giấy thì soạn sẵn chỉ biết ký thôi, không thông qua chính quyền nên chúng biết được…”.

Cần xử lý triệt để tranh chấp

 Tháng 12-2018, UBND huyện Chư Pưh có biên bản bàn giao 450m2 cho 2 hộ dân ở khu vực giải tỏa cầu 110, đến tái định cư. Nhưng vị trí đất định cư đã trồng một số cây điều nên 2 hộ dân mới yêu cầu phải có mặt bằng để làm nhà. Trong đó có hộ bà Đoàn Thị Xí với diện tích 1,4 ha đất tại xã Ia Bia, đoạn có Quốc lộ 14 chạy qua. Sau khi thông báo nhiều lần nhưng các hộ dân buôn bán, trồng cây tại khu đất không đồng ý vì cho rằng đất đã mua và có giấy mua bán viết tay với bà Đoàn Thị Xí. Sau nhiều lần thông báo và vận động, ngày 16-1-2019, huyện Chư Pưh ra văn bản số 33/TB-VP yêu cầu gia đình bà Xí phải di dời ngày 18-1-2019. Quá thời hạn, mặc dù đã liên tiếp có những biên bản làm việc và bản cam kết của hộ bà Đoàn Thị Xí với chính quyền địa phương từ năm 2008 đến nay nhưng hộ bà Xí đã không tự tổ chức di dời, không trả lại mặt bằng. Ngày 21-1-2019, UBND xã Ia Le đã tiến hành dọn hết cây cối trên đất để trả mặt bằng cho những hộ tái định cư thì xảy ra tranh chấp.

Chính quyền địa phương đối thoại với người dân tại UBND xã Ia Le.
Chính quyền địa phương đối thoại với người dân tại UBND xã Ia Le. Ảnh: Ngọc Thu



Để giải quyết vụ việc, chính quyền địa phương đã triển khai tuyên truyền vận động và đối thoại, nhưng không thành, người dân đã viết đơn khiếu kiện không trả đất, khi được hỏi thì người dân chỉ xác nhận có mua đất của đồng bào dân tộc và đã có giấy ký hẳn hoi. Bà Đoàn Thị Xí (làng Ia Bia, xã Ia Le) cho biết: “Đất này là tôi mua của ông Rơ mal Tèo với giá 5 triệu đồng, ông Tèo đã ký, đó là đất của tôi chứ hồi đó không có chính quyền công chứng”.

Tại buổi đối thoại gần đây với gia đình bà Xí, chính quyền địa phương đã cung cấp những văn bản được lưu lại với những giấy tờ cam kết xin được trồng cây ngắn ngày và trả lại cho chính quyền. Đồng thời, xác định mảnh đất của hộ bà Xí là trên đất công trình công cộng thuộc diện tích 60 ha, chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để thực hiện Dự án tái định cư 98 hộ dân thôn Ia Bia. Diện tích đất này thuộc đất quy hoạch của huyện, do UBND xã Ia Le quản lý. Tuy nhiên, gia đình bà Đoàn Thị Xí vẫn không đồng ý trả lại đất.

Ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, cho biết: Chính quyền khẳng định diện tích đất người dân đang tranh chấp là đất thuộc quy hoạch làng Ia Bia thuộc trong diện tích 60 ha. Do mua bán bằng tay của hộ người đồng bào với một số người kinh đến đây mua đất và ghi ngày tháng năm không rõ ràng, chồng chéo, giấy không có xác nhận của quyền địa phương nên không hợp lệ. Vì vậy, chúng tôi sẽ yêu cầu công an vào giám định, và sẽ giải quyết để thu hồi để tái định cư cho các hộ dân ở cầu 110. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con được rõ giúp chính quyền nhanh chóng triển khai dự án đất tái định cư cho người dân.

Qua thực tế, tại khu vực đất này, lợi dụng sự quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền xã Ia Le, nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm đất quy hoạch do Nhà nước quản lý để xây dựng, trồng cây lâu năm và tự ý bán đất bằng giấy tờ viết tay không có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Do vậy, huyện Chư Pưh cần xử lý quyết liệt và triệt để hơn nữa, để thu hồi đất, tránh tình trạng lấn chiếm đất nhà nước, đồng thời xảy ra khiếu kiện tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.