Bứt phá trong công tác giảm nghèo ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Gia Lai còn 34.873 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,04% (giảm 3,3% so với cuối năm 2017). Lần đầu tiên trong 5 năm qua, tỉnh ta thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở để hoàn thành tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai công tác giảm nghèo một cách hiệu quả, ngay từ đầu năm 2018, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác quan trọng này. Trên cơ sở đánh giá công tác tiếp cận đo lường nghèo đa chiều dựa trên các tiêu chí thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận 10 dịch vụ xã hội cơ bản của nhiều địa phương đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Ngoài những giải pháp chung của tỉnh, các ngành, địa phương phải quyết liệt triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo bằng các nguồn lực; đến cuối năm 2018, không còn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về nhà ở. Kèm theo đó là nhà ở phải có nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát quỹ đất sản xuất để bố trí hợp lý cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền để người nghèo nắm bắt được các chính sách ưu đãi của Nhà nước như: chính sách vay vốn ưu đãi sản xuất, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên… Bên cạnh đó là tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen” để giúp người nghèo giữ đất sản xuất; triển khai giải pháp giảm nghèo cho từng đối tượng, ưu tiên gia đình chính sách.
Trạm Khuyến nông huyện Đức Cơ hỗ trợ hộ nghèo trồng hồ tiêu sạch bền vững. Ảnh: Đ.Y
Trạm Khuyến nông huyện Đức Cơ hỗ trợ hộ nghèo trồng hồ tiêu sạch bền vững. Ảnh: Đ.Y
Từ những giải pháp quyết liệt của tỉnh, các ngành, địa phương đã phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo. Một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh năm 2018 là huyện Đức Cơ.
Năm 2017, Đức Cơ là huyện có tỷ lệ giảm nghèo thấp nhất tỉnh (1,6%). Ông Trần Văn Độ, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Do hạn hán, một số diện tích hồ tiêu, cao su, cà phê trên địa bàn giảm sản lượng, mất giá. Ngoài ra, kinh nghiệm và trình độ canh tác của người dân còn thấp, việc tiếp cận các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều còn hạn chế... Theo đó, năm 2018, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 3% số hộ nghèo (tương đương 720 hộ). Để đạt kế hoạch đề ra, Đức Cơ đã phân bổ số hộ nghèo cho từng thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo, các ban, ngành, địa phương của huyện để có biện pháp hỗ trợ. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện có trách nhiệm tranh thủ thêm nguồn vốn của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện có kế hoạch vận động, kêu gọi hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Các đoàn thể lồng ghép thực hiện tốt việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cách làm ăn, sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình. Các công ty đứng chân trên địa bàn có công nhân là hộ nghèo thì ưu tiên hỗ trợ để các hộ này có điều kiện vươn lên thoát nghèo.


Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Trong công tác giảm nghèo, vấn đề quan trọng nhất là sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh. Tiếp đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân; hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo để đầu tư; nâng cấp hạ tầng ở vùng khó khăn; hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo”.


“Từ những giải pháp cụ thể, huy động được sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến cuối năm 2018, huyện Đức Cơ đã có 762 hộ thoát nghèo, giảm 5,81%, vượt kế hoạch đề ra, không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công”-ông Độ nói.
Tương tự, năm 2017, huyện Chư Pah cũng là đơn vị có  tỷ lệ giảm nghèo đạt thấp (2%). Đầu năm 2018, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm giảm ít nhất 3% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 554 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều).
Trao đổi với P.V, ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: “Sau khi đề ra kế hoạch phấn đấu, huyện đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giảm nghèo, trên cơ sở đó giao trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị để phụ trách các đối tượng, các xã, thị trấn trong công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, UBND huyện còn vận động nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ hộ nghèo; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện; cấp trên 2.200 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo; tập trung hỗ trợ 2.346 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, làm nhà ở. Thực hiện Chương trình 135, huyện Chư Pah đã tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người nghèo về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện gần 14 tỷ đồng. Nhờ đó, đến cuối năm 2018, huyện Chư Pah đã có 602 hộ thoát nghèo, giảm 3,24% vượt kế hoạch đề ra.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm nghèo của tỉnh. Đánh giá về kết quả giảm nghèo trong năm 2018, bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Để có được kết quả giảm nghèo nêu trên, trong năm 2018, các cấp, ngành, đoàn thể đã cùng quyết tâm hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo. Sức mạnh tổng hợp này đã làm nên thành công. Ngoài ra, trong năm, toàn tỉnh đã giảm 380 hộ nghèo là gia đình người có công, đạt mục tiêu không còn hộ chính sách nghèo trên địa bàn. Triển khai xây mới và sửa chữa 425 nhà ở cho hộ nghèo, tổ chức 583 lượt tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các hủ tục”. Cũng theo bà Thanh, năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,84%, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.