An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lần đầu tiên đưa vào giảng dạy thí điểm tại 56 trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ học kỳ II năm học 2018-2019. Chương trình giáo dục mang nhiều ý nghĩa này nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông trong trường học.
Với quan điểm dành sự ưu tiên cho những trường học trên địa bàn các huyện nằm dọc quốc lộ 19, Sở GD-ĐT đã chọn 56 trường Tiểu học thuộc Phòng GD-ĐT các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và thị xã An Khê để thí điểm chương trình. Theo đó, sẽ có gần 20 ngàn học sinh Tiểu học được tham gia các tiết học chính khóa về an toàn giao thông. Để nhanh chóng đưa chương trình vào thời khóa biểu tại các đơn vị trên, Bộ GD-ĐT vừa tiến hành tập huấn cho hàng trăm cán bộ, giáo viên cốt cán các trường để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao.
 Đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc khi học sinh tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: N.G
Đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc khi học sinh tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện. Ảnh: N.G
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai Điện tử, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: “Trước kia, công tác giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh ở bậc Tiểu học chỉ dừng lại ở các buổi ngoại khóa. Theo ghi nhận từ thực tế, tình trạng học sinh đi bộ, tụ tập dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng 2, hàng 3, chọc ghẹo nhau trong quá trình tham gia giao thông... còn khá phổ biến. Do đó, giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” cùng những đạo cụ giảng dạy trực quan được đưa vào các tiết học chính khóa sẽ là công cụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục an toàn giao thông trong học đường. Sau khi triển khai thí điểm ở 56 trường, chúng tôi sẽ nhân rộng chương trình này ra toàn tỉnh trong những năm học tới”.
Giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” được Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát Giao thông và Honda Việt Nam xây dựng dựa trên thực tế giao thông liên quan đến trẻ em. Theo ông Nguyễn Văn Quyết-chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, nội dung giáo trình rất phù hợp với nhận thức của học sinh Tiểu học. Hình thức thể hiện bằng tranh vẽ sinh động, hấp dẫn với phương pháp dạy khoa học. Cụ thể, giáo trình này được chia thành 12 bài học thuộc các chủ đề: đi bộ an toàn; nguy hiểm khi vui chơi ở những nơi không an toàn; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; cách ngồi an toàn trên xe máy, xe đạp, trong xe ô tô và trên các phương tiện giao thông đường thủy; biển báo hiệu đường bộ; đi xe đạp an toàn và cách dự đoán để tránh các tình huống giao thông nguy hiểm...
Trường Tiểu học số 1 thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) là đơn vị nằm sát quốc lộ 19, lại thuộc trung tâm huyện. Lưu lượng xe tham gia giao thông trước cổng trường luôn ở mức cao, vì vậy đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là điều khiến nhà trường đặc biệt quan tâm. Tham gia tập huấn giảng dạy giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, cô Nguyễn Kim Hường-Phó Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Ngoài các chương trình ngoại khóa được tổ chức hàng tháng, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh, phụ huynh về an toàn giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lo ngại vì có quá ít thời gian để phổ biến hết những vấn đề liên quan cho các em. Do đó, được tiếp nhận và giảng dạy giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” là cơ hội để nhà trường hình thành cho các em thói quen tham gia giao thông an toàn, văn minh”.
Đa số cơ sở giáo dục khác cũng tiếp nhận giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” với tâm thế rất tích cực. Bà Nguyễn Thị Như Thủy-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đak Pơ-chia sẻ: “Đây là chương trình hết sức thiết thực khi giải quyết được tình trạng thiếu hụt kỹ năng, nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn của học sinh ở lứa tuổi Tiểu học. Chúng tôi kỳ vọng giáo trình này sẽ từng bước hình thành cho học sinh thói quen tham gia giao thông an toàn, văn minh”. Các bậc phụ huynh học sinh cũng rất ủng hộ khi con em được tiếp cận chương trình này. Ông Lê Ngọc Minh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) bày tỏ: “Để dạy con cách tham gia giao thông an toàn mà không có sách vở, tài liệu gì thì cũng rất khó cho phụ huynh chúng tôi. Do đó, khi được nhà trường thông báo về giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, tôi rất mừng. Từ nay, các con sẽ được học về an toàn giao thông một cách bài bản; phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con đi học, đi chơi”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.