Đức Cơ: Chú trọng đào tạo nghề lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, những năm qua, huyện Đức Cơ (Gia Lai) luôn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.
Trở lại làng Sung Kép 2 (xã Ia Kla), chúng tôi bất ngờ chứng kiến sự đổi thay của ngôi làng này. Nhiều ngôi nhà tôn cũ nát, xập xệ, tạm bợ trước đây giờ đã được thay bằng những căn nhà xây kiên cố. Đây đều là những căn nhà do chính tay những người đã trải qua các lớp đào tạo nghề của huyện xây dựng. “Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà tôi được biết về nghề xây dựng, tự tay xây lên những ngôi nhà cho người làng. Tôi biết tính toán tỷ lệ cho căn nhà, biết cách chọn vật liệu xây dựng... để làm nên những ngôi nhà vững chãi mà tiết kiệm chi phí. Thời gian qua, tôi đã tự tay làm được 2 căn nhà và giúp công cùng với dân làng xây các căn nhà khác nữa”-ông Siu Qui (làng Sung Kép 2) bày tỏ.
  Ông Puih Phít (ngoài cùng bên phải) có thể tự tin góp ý kiến xây nhà cho dân làng khi học xong lớp đào tạo nghề.             Ảnh: N.T
Ông Puih Phít (ngoài cùng bên phải) có thể tự tin góp ý kiến xây nhà cho dân làng khi học xong lớp đào tạo nghề. Ảnh: N.T
Đức Cơ là huyện biên giới còn nhiều khó khăn. Huyện có 45% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tập tục còn lạc hậu nên việc tiếp thu khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, UBND huyện Đức Cơ đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Qua khảo sát, toàn huyện có khoảng 32.800 người trong độ tuổi lao động, trong đó gần 23.000 lao động chưa qua đào tạo.
Theo thống kê từ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Đức Cơ, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã mở được hơn 100 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (dưới 3 tháng) theo nhu cầu người lao động. Các lớp học đã thu hút gần 2.600 học viên tham gia; đến nay 96% người lao động có việc làm. Lao động nông thôn sau khi tham gia đào tạo đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, phòng dịch bệnh cho vật nuôi, xây dựng nhà cửa, sửa chữa máy móc, thiết bị điện... Ông Puih Phít (làng Sung Kép 2) vui mừng nói: “Mình đã biết áp dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, biết tính toán thế nào để xây một căn nhà đẹp mà tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, mình có thêm thu nhập, không sợ bị đói nữa”.
Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-khẳng định: “Để đẩy mạnh công tác dạy nghề, UBND huyện sẽ đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất để Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên của huyện ngày càng hoàn thiện hơn. Trong năm 2019 và 2020, huyện sẽ mở 8 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với kinh phí gần 500 triệu đồng. Ủy ban nhân dân huyện cũng sẽ phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề ngay từ đầu năm để các xã, thị trấn tổ chức chiêu sinh và mở lớp trong thời gian lao động nhàn rỗi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các học viên sau khi học nghề được tham gia vay vốn để phát triển sản xuất”.
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.