Các nước tăng cường thu hút lao động Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Con số gần 15.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng qua cho thấy sức hút ngày càng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Giữa tháng 11-2018, 11 tu nghiệp sinh (TNS) ngành hộ lý đầu tiên của phía Nam đã xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Đây là những TNS có trình độ N3, N4 tiếng Nhật và được thực tập nâng cao kỹ năng điều dưỡng do các chuyên gia của Nhật Bản huấn luyện trong gần một năm qua. Trước đó ở phía Bắc, 23 TNS hộ lý cũng đã lên đường sang Nhật Bản làm việc. Đây là tín hiệu vui, mở ra giai đoạn mới cho những TNS kỹ năng ngành hộ lý, điều dưỡng theo một thỏa thuận được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký kết năm 2017, tạo đà phát triển cho năm 2019.
Nhật, Hàn cùng ưu đãi
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên quốc hội nước này dự luật về việc cho phép lao động phổ thông nước ngoài ở lại lâu dài tại Nhật. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), cho biết gần đây, Nhật Bản tìm hiểu giải pháp để bù đắp lượng lao động luôn thiếu hụt, nhất là trong lĩnh vực y tế, xây dựng và nông nghiệp. "Nếu Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn dự luật này, tôi cũng như mọi lao động Việt Nam đều vui mừng vì được ở lại nước này làm việc lâu dài. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự luật, phải đợi tới đây quốc hội Nhật Bản thông qua" - ông Liêm nói.
Lao động trẻ của Việt Nam đang được nhiều nước săn đón
Lao động trẻ của Việt Nam đang được nhiều nước săn đón
Theo lãnh đạo Dolab, gần đây lãnh đạo hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam đã có những thỏa thuận để thực hiện thí điểm đưa thực tập sinh sang làm việc ở lĩnh vực y tế. Hiện đã có gần 100 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo hình thức này và đây chính là những lao động mà nếu chính sách mới của Nhật Bản được thông qua, thực thi thì lao động Việt Nam sẽ được ở lại làm việc lâu dài.
Dự luật nói trên đưa ra hai chính sách cư trú dành cho lao động nhập cư. Chính sách thứ nhất có giá trị đến 5 năm dành cho những người có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp trong một lĩnh vực cụ thể. Họ sẽ phải thông thạo tiếng Nhật và không được phép đưa các thành viên gia đình mình đến Nhật Bản. Chính sách thứ hai dành cho những người có trình độ chuyên môn và kỹ năng tiếng Nhật cao hơn. Họ có quyền thường trú vĩnh viễn và được phép đưa các thành viên gia đình mình đến Nhật Bản. Những người nằm trong diện chính sách thứ nhất có thể chuyển sang chính sách thứ hai nếu hội đủ điều kiện này.
Hàn Quốc mới đây đã có những động thái nhằm gia tăng cơ hội cho lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc vốn bị bế tắc do tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn quá cao. Theo đó, những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 1-10-2018 đến hết ngày 31-3-2019 sẽ không bị hạn chế nhập cảnh trở lại Hàn Quốc làm việc. Trước đó, Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) với Việt Nam về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc với nhiều điều khoản thông thoáng, tạo điều kiện cho người lao động có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc.
Bất ngờ thị trường Lào
Lào là thị trường đầy bất ngờ nhất với lao động Việt bởi nhu cầu lao động ở nước này rất lớn, mức lương khá cao nhưng ít người biết đến. Mới đây, Dolab đưa ra thông tin thị trường Lào có nhu cầu khá lớn lao động Việt Nam với mức thu nhập khá cao, đặc biệt trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và quản lý các ngành xây dựng, kỹ sư công trình...
Thông tin từ các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào cho thấy chính sách, điều kiện làm việc đối với lao động Việt được bảo đảm tốt, tạo động lực để họ yên tâm làm việc. Mức thu nhập bình quân đối với lao động phổ thông đạt khoảng 250 đến 400 USD/tháng, lao động kỹ thuật khoảng 500 đến 1.000 USD/tháng. Người lao động cũng được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, nghỉ phép, lễ - Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Lào.
Đại diện Dolab cho biết thị trường Lào đang có nhu cầu khá lớn, chiếm 10%-15% số lượng lao động xuất khẩu hằng năm của Việt Nam, khoảng 10.000 người mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh số lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào theo các kênh chính thống như công trình trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án…, còn một số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc tự do theo đường tiểu ngạch, thời vụ, chủ yếu là lao động ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế. Với vị trí địa lý là quốc gia láng giềng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán khá tương đồng, cùng với đó có khoảng 30.000 Việt kiều đang sinh sống tại Lào là điều kiện khá lý tưởng cho người lao động Việt Nam sang Lào làm việc. 
 
Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ Úc
Hằng năm, Chính phủ Úc sẽ cấp visa cho 200 người Việt có nhu cầu đến nước này du lịch kết hợp làm việc. Thời gian tối đa cho hình thức du lịch này là 12 tháng và được nhập cảnh nhiều lần. Công dân Việt Nam được Úc cấp thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ không được làm việc cho một chủ sử dụng lao động quá 6 tháng, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc cho phép. Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ được gia hạn thêm một năm khi làm việc ít nhất 3 tháng tại khu vực phía Bắc Úc theo các ngành nghề: chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng và thu hoạch nông sản; trồng và khai thác gỗ; nghề cá và nuôi trai lấy ngọc; du lịch và khách sạn nhà hàng.
Giang Nam (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.