Xử lý chất thải rắn tại nông thôn: Nhiều khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lượng chất thải rắn tại khu vực nông thôn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, công tác thu gom, phân loại và xử lý đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), bình quân mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ sinh hoạt gia đình trên địa bàn tỉnh khoảng 68.951 tấn, thành phần gồm: thực phẩm thải, bao bì, túi ni lông, giấy, báo, rác từ phế thải động-thực vật và chai lọ các loại (đó là chưa kể một lượng lớn loại rác thải gây nguy hại đến môi trường gồm các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng). 
Tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã trong tỉnh đều đã có công ty hoặc đội công trình đô thị nhưng hầu hết chỉ thu gom, xử lý chất thải rắn trong phạm vi nhất định, chủ yếu tại khu vực đô thị. Hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn tại các huyện đều là bãi rác lộ thiên, nguồn kinh phí không được đảm bảo nên công tác xử lý chưa đúng quy trình, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí xung quanh. Như bãi xử lý rác thải tập trung của huyện Ia Pa nằm trên trục đường giao thông dẫn vào trung tâm xã Ia Ma Rơn thường xuyên trong tình trạng quá tải, rác thường ùn ứ ra hai bên đường. Anh Rmah Le-một người dân xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Bãi rác tập trung của huyện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân ở một số thôn, làng trong xã. Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết tình trạng trên”.

 Rác thải gây ô nhiễm môi trường trên đường vào trung tâm xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa). Ảnh: H.Đ
Rác thải gây ô nhiễm môi trường trên đường vào trung tâm xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa). Ảnh: H.Đ
Hiện 57/184 xã trong tỉnh đã thành lập tổ, đội, hợp tác xã thu gom, xử lý chất thải rắn nhưng đều mang tính tự phát. Hầu hết các xã cách 2-3 ngày hay 1 tuần, thậm chí nửa tháng mới thu gom chất thải rắn một lần, dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải trong các khu dân cư. Hơn nữa, phương tiện thu gom chủ yếu là xe công nông, xe độ chế nên rác thải vung vãi ra môi trường; phần lớn các bãi tập kết rác sau khi thu gom nằm dọc trục đường giao thông và gần khu dân cư gây ảnh hưởng đến mỹ quan và gây ô nhiễm. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, mật độ dân cư thấp, chưa có tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn thì người dân tự thu gom, chôn lấp hoặc đốt trong vườn nhà.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý và thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn là một bộ phận không nhỏ người dân chưa nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi. Tại nhiều khu vực gần chợ hay ở những nơi hoang vắng tràn ngập rác thải, bốc mùi hôi thối.
Những năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 383 bể chứa các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt, tại nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã có bể chứa nhưng nhiều người dân không bỏ các loại rác thải trên mà vẫn vứt ra môi trường.
“Làm cho thế giới sạch hơn”
Thực hiện Công văn số 3964 ngày 2-5-2018 của Văn phòng Chính phủ, ngày 28-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1407 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường quản lý chất thải khu vực nông thôn; trong đó tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về quản lý loại chất thải này. Khuyến khích thành lập mới hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của các đơn vị dịch vụ môi trường, huy động cộng đồng tham gia dịch vụ quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn, phấn đấu đến cuối năm 2018 có 50% trở lên các xã hoặc khu vực dân cư tập trung có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 70% lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển, tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát phải được xử lý đảm bảo yêu cầu.
Theo bà Lương Thị Tuyết Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn, tỉnh cần tăng cường các nguồn lực đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phương tiện, trang-thiết bị, nguồn nhân lực cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn. Cần cải tạo các bãi chôn lấp rác lộ thiên, đầu tư công nghệ để xử lý chất thải rắn đảm bảo quy trình, không còn xử lý thủ công, thô sơ, chủ yếu đốt, lấp như lâu nay. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thu gom, xử lý các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
Hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2018, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề “nóng” về ô nhiễm môi trường. Phối hợp với ngành hữu quan và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, tích cực tham gia bảo vệ môi trường; vận động người dân sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa gây nguy hại đến môi trường. Lên án các hành động phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vứt xả rác thải bừa bãi và các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, các đơn vị tiến hành thu gom, xử lý chất thải rắn nhưng không đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hà Đức

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.