Kbang: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Kbang (Gia Lai) đã tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất và chăn nuôi, góp phần quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 
Năm 2018, Kbang được tỉnh quan tâm phân bổ 690 triệu đồng cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức 13 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với khoảng 295 học viên, trong đó ngành nông nghiệp 8 lớp và phi nông nghiệp 5 lớp. Trước khi triển khai đào tạo nghề, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Ngoài ra, đối với nghề thợ nề, huyện còn chỉ đạo địa phương phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa học. Đặc biệt, các lớp dạy nghề đều gắn với điều kiện, tình hình, định hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương và nhu cầu thiết thực của người dân như trồng cây ăn quả, cà phê, lúa năng suất cao; phòng bệnh cho gà, dê, trâu bò; sửa chữa máy cày công suất nhỏ… Đáng chú ý, huyện còn mở thêm các lớp kỹ năng làm du lịch cộng đồng gắn với tiềm năng và định hướng phát triển du lịch của huyện.
  Học viên lớp đào tạo thợ nề tham gia thực hành. Ảnh: Nguyễn Văn Trung
Học viên lớp đào tạo thợ nề tham gia thực hành. Ảnh: Nguyễn Văn Trung
Ông Hà Thanh Trung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Sau khi kế hoạch ban hành, các cơ quan, đơn vị huyện đã kịp thời phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức mở các lớp đào tạo nghề để hoàn thành trước tháng 11-2018. Có một thuận lợi là các lớp đào tạo nghề nông nghiệp đều được cơ động mở ngay tại trung tâm xã và các điểm làng, đồng thời tranh thủ thời gian dạy và học vào buổi tối để không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Trong quá trình học tập, học viên là người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày học và 200.000 đồng tiền xăng xe/khóa đào tạo nếu khoảng cách từ nơi ở đến nơi học tập từ 5 km trở lên; riêng học viên thuộc các thôn, làng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 300.000 đồng/khóa học. Học viên người Kinh không được hỗ trợ các nội dung trên nhưng khi tham gia đào tạo thì không phải đóng chi phí học tập. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn, giúp học viên có thêm động lực để tham gia khóa học.
Trao đổi về công tác đào tạo nghề tại huyện, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng phòng Tổ chức Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh-chia sẻ: Hiện nhà trường đang phối hợp với huyện Kbang mở 2 lớp kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Số học viên tham gia chủ yếu là thanh niên người dân tộc thiểu số. Với tinh thần cầm tay chỉ việc, trong quá trình giảng dạy, nhà trường đã xây dựng giáo án và phương pháp truyền đạt phù hợp với trình độ, lứa tuổi từng học viên, tập trung nhiều vào phần thực hành. Do đó, các học viên đã tham gia học tập rất sôi nổi, hào hứng.
Theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn, Kbang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc làm, giúp tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần thể hiện được vai trò trong việc vận động đoàn viên, hội viên tham gia các lớp học nghề để nâng cao năng lực sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Người lao động cũng cần nắm bắt ý nghĩa của công tác đào tạo nghề lao động nông thôn để từ đó chủ động trang bị kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự giải quyết việc làm trên chính mảnh đất của gia đình, cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Văn Trung

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.