Giải quyết việc làm sau đào tạo nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dạy nghề theo hình thức mở lớp tại thôn làng, cầm tay chỉ việc, trở thành đầu mối việc làm cho hàng trăm lao động vùng dân tộc thiểu số là hướng đi hiệu quả của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Kbang (Gia Lai) trong nhiều năm qua.
“Sống khỏe” nhờ được đào tạo nghề
Tay nghề của anh Đinh Thách và nhóm thợ nề gồm 6 người ở làng Ôr (xã Kông Lơng Khơng) không chỉ được nhiều người trong huyện Kbang mà cả nhiều huyện khác biết đến.
Hàng chục ngôi nhà cấp 4 cùng hàng trăm công trình khác do anh Thách nhận thầu thời gian qua đã tạo việc làm cho tổ thợ và nhiều thanh niên trong làng. Vững tay nghề từ khóa học 3 tháng do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang mở ngay tại làng, anh Thách cùng tổ thợ nề làng Ôr nay có thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống gia đình ổn định. Tổ thợ nề này còn tổ chức dạy lại nghề cho nhiều thanh niên để chia sẻ công việc và tạo thu nhập.
  Sau khi theo học nghề thợ nề, nhiều thanh niên xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) có việc làm ổn định, tạo thu nhập cho gia đình. Ảnh: Thành Hiếu
Sau khi theo học nghề thợ nề, nhiều thanh niên xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) có việc làm ổn định, tạo thu nhập cho gia đình. Ảnh: Thành Hiếu
Nhớ lại những ngày đầu được thầy cầm tay chỉ việc khi tham gia lớp đào tạo thợ nề, anh Thách nói: “Ngày đó, cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm. Khi xã có thông báo mở lớp dạy nghề thợ nề, tôi đăng ký đi học nhưng cũng lo không học được. Nhưng ngay ngày đầu tiên, tôi đã thấy thích vì được thầy dạy từng chút một. Thầy làm mẫu và thậm chí cầm tay dạy trộn hồ, đập gạch, cầm bay như thế nào cho đúng”.
Cũng theo anh Thách, lớp thợ nề ngày đó mở tại làng, các thầy giáo của Trung tâm GDNN-GDTX huyện mang toàn bộ vật tư, vật liệu và cả đồ bảo hộ lao động phát miễn phí cho học viên.
Sau 1 tháng học cơ bản, các thầy liên hệ với xã để nhận những công trình như xây bồn hoa, tường rào, đổ sân bê tông... trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã cho học trò thực hành. Cứ thế, cả thầy và trò vừa làm vừa học rất hiệu quả. Khóa học kết thúc, tất cả 19 học viên của xã Kông Lơng Khơng đều vững tay nghề.
Còn anh Đinh Briêu (làng Lợt, xã Nghĩa An) lại cảm thấy may mắn khi được dạy nghề miễn phí. Lớp học anh tham gia là sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. “Từ khi được hướng dẫn, tôi đã biết cách trị bệnh cho gà, vịt, heo, bò... của gia đình và người dân trong làng. Nhờ được học nghề mà tôi cảm thấy mình có ích, có thu nhập dù bị khuyết tật đôi tay. Thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện nhờ cô giáo hướng dẫn thêm và được cô nhiệt tình giúp đỡ. Cô giáo còn giới thiệu cho tôi nhiều gia đình cần trị bệnh cho heo, gà để giúp tôi có thêm thu nhập”-anh Briêu cho biết.
Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động
Anh Phạm Thành Hiếu-giáo viên dạy nghề thợ nề của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang-cho biết: “Lớp học của chúng tôi ưu tiên cho thanh niên người dân tộc thiểu số, thanh niên mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những người mới ra tù. Khả năng tiếp thu lý thuyết của họ có hơi chậm song khi thực hành thì rất tốt.
Họ có sức khỏe, khéo léo nên chúng tôi chọn cách dạy thực hành ngay trên công trình. Trong quá trình học, thầy giáo trở thành thợ cả, hướng dẫn học viên từ những công việc nhỏ nhất. Tôi đánh giá cao những lớp học mở tại làng và việc các xã thành lập tổ thợ để nhận công trình, tạo việc làm cho anh em”.
Những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang đã đào tạo và giúp cho gần 2 ngàn lao động nông thôn có việc làm, ổn định cuộc sống. Nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ở địa phương, Trung tâm đã mở các lớp: trồng và chăm sóc cây cà phê; trồng lúa, bắp năng suất cao; nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; nghề thợ nề; nghề sửa chữa máy nổ, máy cày công suất nhỏ...
Không chỉ khảo sát, tìm hiểu trước nhu cầu nghề nghiệp, các lớp học này còn có phương thức truyền đạt rất linh hoạt và thiết thực theo kiểu  “cầm tay chỉ việc” gắn với giáo trình sinh động, đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ người học.  
Trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang cũng rất chú trọng tuyên truyền giúp người dân hiểu học nghề là quyền và nghĩa vụ của người lao động, góp phần năng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. “Khi người dân hiểu được những lợi ích của việc học nghề, họ sẽ tham gia rất tích cực.
Bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, chúng tôi tổ chức khảo sát nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo; huy động được những nông dân giỏi, thợ lành nghề để phối hợp đào tạo nghề tại địa phương. Ngoài ra, sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm sau đào tạo giữ một vai trò quan trọng để công tác này triển khai hiệu quả”-ông Tô Thành Cao-Giám đốc Trung tâm  GDNN-GDTX huyện Kbang-cho biết.
Bảo Lam

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.