Thu nhập ổn định nhờ nghề bó chổi đót

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, hơn 10 hộ dân ở tổ 3 và 4 (phường Ngô Mây, thị xã An Khê) vẫn bền bỉ gắn bó với nghề làm chổi đót. Mặc dù thu nhập không nhiều nhưng nghề này cũng đã giúp họ có được cuộc sống ổn định.

Ông Nguyễn Dần-một trong những hộ dân gắn bó với nghề này, chia sẻ: “Ngày trước, cha tôi và mọi người còn kéo nhau lên rừng bứt đót, tuốt mây về làm chổi chứ không phải đi mua đót về bó như bây giờ. Khi ông cụ qua đời, con cháu vẫn miệt mài theo nghề. Nghề này không khó, ai cũng có thể làm được. Tuy không giàu nhưng thu nhập tương đối ổn định. Gia đình tôi là một trong 6 hộ trong tổ dân phố sống bằng nghề bó chổi”. Ông chia sẻ thêm, nếu có vốn mua đót từ đầu vụ khi giá chỉ khoảng 15 ngàn đồng đến 18 ngàn đồng/kg đót khô thì không chỉ đảm bảo đủ nguyên liệu làm quanh năm mà lợi nhuận cũng sẽ cao hơn. Thời điểm cuối năm khi nhu cầu tăng, đót nguyên liệu khan hiếm, có lúc giá lên đến trên 30 ngàn đồng/kg sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người làm chổi.

 

Ông Phạm Quốc tỉ mỉ vót từng cọng mây bó chổi.                                     Ảnh: N.M
Ông Phạm Quốc tỉ mỉ vót từng cọng mây bó chổi. Ảnh: N.M

Ông Dần từng không may bị tai nạn giao thông. Chấn thương cộng tuổi già khiến sức khỏe ông suy yếu. Vậy nhưng, mỗi ngày vợ chồng ông cũng bó được 20-25 cây chổi. Ông chỉ làm chổi cán mây truyền thống, loại này kén những cây đót to dài, nhằm tận dụng phần thân của cây đót làm cán. Những bông đót sẽ được tước những nhánh nhỏ phía trên và sau đó buộc chung lại thành từng bó nhỏ. Mỗi chiếc chổi được kết từ 12-15 bó nhỏ, quấn quanh cán bằn sợi mây đã được vót mỏng.

Ông vẫn làm theo cách xưa: Chêm một thanh tre to bằng ngón tay cái, dài khoảng 60 cm vào lõi cán để tăng độ cứng, độ bền, những vòng mây siết chặt càng làm cây chổi chắc chắn hơn. Ngụ ở phía bên kia đường đối diện với hộ ông Dần là vợ chồng ông Phạm Quốc (tổ dân phố 3, phường Ngô Mây) bao năm nay cũng cần mẫn theo nghề bó chổi. Xòe đôi bàn tay chai sần, ông Quốc tâm sự: “Tôi theo nghề của cha vót mây, bện chổi gần 40 năm nay. Không ruộng rẫy, vợ chồng chịu khó bó chổi mỗi ngày cũng kiếm được 100-150 ngàn đồng, cũng đủ chi tiêu, nuôi 4 đứa con ăn học”.

Ngoài làm chổi cán mây, hơn một năm nay, những người làm nghề nơi đây cũng làm chổi cán nhựa. Cán được nhập về, chỉ cần bện đót thành bó rồi tra vào cán nhựa và dùng đinh vít cố định lại là xong. Cách làm này nhanh hơn bện mây thông thường, bình quân mỗi người có thể làm 15-20 chiếc chổi/ngày. Giá bán sỉ dao động từ 18 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng/chiếc. Chổi cán mây làm lâu công, tốn nhiều nguyên liệu nên giá bán cao hơn, dao động 25-27 ngàn đồng/chiếc. Thậm chí, những người ưa chổi đặt hàng làm riêng thật chắc chắn sẽ không ngại mức giá lên đến 50 ngàn đồng/chiếc. Chổi làm ra không những bán trên địa bàn thị xã An Khê mà còn được tiểu thương đưa đi tiêu thụ tại các huyện lân cận: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro...

Mùa thu hoạch đót chỉ kéo dài 2-3 tháng trong năm, do đó những người làm chổi thường tranh thủ mua về dự trữ để dùng dần trong năm. Đót tươi sẽ được hong khô kỹ, bó gọn và bỏ vào kho bảo quản, tốt nhất để nơi khô ráo thoáng gió, tránh nơi ẩm ướt để bông đót không bị ủng mục. Vốn là một điểm cung cấp đót nguyên liệu để làm chổi, hộ ông Đỗ Kim Thanh (tổ dân phố 4, phường Ngô Mây) thường nhộn nhịp người ra vào mua đót. Mỗi hộ chỉ lấy cầm chừng 5-7 tạ đót nguyên liệu về, khi làm hết mới lấy tiếp. “Mỗi mùa tôi phải bỏ ra chừng 300 triệu đồng mua đót vừa để vợ chồng và mấy đứa con cùng làm, vừa bán cho người làm chổi quanh khu vực hoặc khách mua lẻ về làm trong các công trình xây dựng… Không phải hộ bó chổi đót nào cũng có vốn mua dự trữ đót sẵn ngay từ đầu vụ. Bởi vậy, có khi mình phải cho họ mua chịu đót nguyên liệu, khi có tiền mới đem trả lại cho mình”-ông Thanh vui vẻ nói.

Nói về nghề bó chổi đót của người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc An-Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, cho biết: Nghề bó chổi đót ở địa phương được truyền qua nhiều thế hệ. Tới nay, nhiều hộ vẫn bền bỉ theo nghề. Tuy nhiên, quy mô sản xuất chỉ giới hạn trong các hộ gia đình, tự phát manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn thị xã. Vì vậy, thời gian tới, phường sẽ có những hướng dẫn về các thủ tục cho từng hộ, giới thiệu các kênh vay vốn để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.