Hành trình 75 năm vẻ vang của phụ nữ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay vừa tròn 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và 75 năm thành lập Hội LHPN tỉnh Gia Lai, đánh dấu chặng đường dài các thế hệ phụ nữ trong tỉnh không ngừng nỗ lực, cống hiến để có những đóng góp ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực.
Đại hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 27-10-1945 tại thị xã Pleiku đã trở thành mốc son đáng nhớ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chọn ngày 27-10 làm Ngày truyền thống Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai. Qua từng thời kỳ, tổ chức Hội Phụ nữ Gia Lai dần được củng cố, phát triển và trưởng thành. Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, thời kỳ nào và ở đâu cũng in đậm dấu ấn, những cống hiến to lớn của phụ nữ chung tay góp sức cùng nhân dân xây dựng quê hương Gia Lai.
Sống như những đóa hoa
Tháng 12-1964, giữa rừng núi Krong (huyện Kbang), Đại hội đại biểu Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Gia Lai lần thứ I được triệu tập. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của phong trào phụ nữ tỉnh với nhiều đóng góp quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 17 người, bà H’Lơ được bầu làm Hội trưởng nhưng người Hội trưởng đầu tiên ấy đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Còn bà Đinh Dreng được bầu làm Phó Hội trưởng và giữ nhiệm vụ này đến năm 1975.
Tham gia công tác phụ nữ những năm tháng chiến trường Tây Nguyên còn bom rơi, đạn nổ, bà Dreng kể: “Không ít lần, cơ quan Hội phải di chuyển giữa các vùng rừng núi huyện Kbang để đảm bảo an toàn bí mật. Tuy điều kiện khó khăn, ít hội viên, nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ, vừa chiến đấu, vừa sản xuất và xây dựng gia đình”.
Thế hệ cán bộ phụ nữ như bà Dreng đã đặt những viên gạch đầu tiên để dần gây dựng phong trào lớn mạnh. Họ đã sống như những đóa hoa, dâng hiến trọn vẹn dù có những khó khăn riêng của phái yếu phải giấu vào lòng. Sự kiên cường, thầm lặng hy sinh ấy trở thành di sản tinh thần để các thế hệ cán bộ tiếp nối, làm nên sự thành công riêng cho từng phong trào trong những giai đoạn của lịch sử đất nước.
Lật giở lại những trang lịch sử ấy, bà H’Nghia-người từng đảm nhận chức vụ Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Gia Lai-Kon Tum từ năm 1979 đến năm 1985 không khỏi bồi hồi, xúc động. Bà H’Nghia hồi nhớ: “Sau ngày giải phóng, ngay cả đội ngũ cán bộ Hội cũng còn nhiều hạn chế về trình độ học vấn. Mình không nói là chị em trình độ thấp, chỉ biết thương các đồng chí, thương chị em vì hoàn cảnh chiến tranh mà phải hy sinh rất nhiều. Bước vào thời kỳ tái thiết quê hương sau khi giành độc lập, phụ nữ tham gia nhiều nhiệm vụ, trong đó có giải quyết vấn đề FULRO. Đa phần cán bộ Hội phải để con ở nhà để đi vào những vùng trọng điểm như: Ia Lâu, Ia Mơr, Hà Bầu… vận động người dân không theo FULRO, xây dựng lực lượng vũ trang, vận động thanh niên nhập ngũ. Vai trò của nữ giới ngày càng được khẳng định, trong đó có sự chỉ đạo của tỉnh và sự phấn đấu của chị em”.
Tại buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ phụ nữ tỉnh, bà Rơ Châm H’Yéo xúc động ôn lại kỷ niệm những năm tháng gian khổ. Ảnh: Minh Châu
Tại buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ phụ nữ tỉnh, bà Rơ Châm H’Yéo xúc động ôn lại kỷ niệm những năm tháng gian khổ. Ảnh: Minh Châu
Đến nay, trải qua 13 kỳ đại hội, Hội LHPN tỉnh ngày càng được kiện toàn, không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển lớn mạnh. Có thể khẳng định, ở mỗi chặng đường phát triển, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ, các cấp Hội đều phát động, tổ chức triển khai các phong trào hành động cách mạng thu hút đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ tham gia, nhiều phong trào được đúc kết từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương.
Xúc động ngày gặp mặt
Cuộc gặp mặt giữa các thế hệ cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh vừa diễn ra trong không khí xúc động nhân dịp đặc biệt, đánh dấu chặng đường 75 năm thành lập Hội LHPN tỉnh. Như dòng sông có cội, có nguồn, sự có mặt của những người nữ cán bộ Hội đầu tiên như bà Đinh Dreng, H’Nghia, Rơ Châm H’Yéo… đến những nữ cán bộ trẻ đang có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai phong trào Hội tại các địa phương đã tái hiện lại một hành trình dài của sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Hội LHPN tỉnh.
Bà Y’Ven-nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai-Kon Tum-không giấu được nước mắt khi nhắc về thế hệ cán bộ tiền nhiệm, nhất là những người đã đi xa. Bà chia sẻ, dù người còn, người mất, nhưng những thành quả to lớn mà các thế hệ phụ nữ đã làm được cho đến hôm nay, có rất nhiều hy sinh thầm lặng không dễ nói ra. Nhưng bằng sức mạnh ý chí, sự mềm dẻo, linh hoạt và phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã khẳng định phụ nữ tuy bé nhỏ nhưng tầm vóc, trí lực không nhỏ. Bà Y’Ven là một minh chứng khi bà từng giữ những chức vụ quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.
Bà Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thay mặt cho hàng chục ngàn hội viên, phụ nữ bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cán bộ Hội tại buổi gặp mặt. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Tri ân các thế hệ cán bộ Hội qua các thời kỳ, năm 2020, Hội LHPN tỉnh xây Bia di tích cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh tại làng Tăng Lăng (xã Krong, huyện Kbang). Kinh phí do hội viên, phụ nữ trong tỉnh đóng góp. Hội còn tổ chức cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu “75 năm lịch sử hình thành và phát triển của Hội LHPN tỉnh Gia Lai” thu hút hơn 176 ngàn lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Cuộc thi là dịp để hội viên, phụ nữ tìm hiểu và thêm trân trọng, tự hào trước những đóng góp, hy sinh mà các thế hệ cán bộ đi trước đã đặt nền móng cho phong trào phụ nữ, công tác Hội tiếp bước hôm nay”.
Bia di tích cơ quan Hội phụ nữ giải phóng tỉnh (tại làng Tăng Lăng, xã Krong) được Hội LHPN tỉnh xây dựng năm 2020 thể hiện đạo lý
Bia di tích cơ quan Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh tại làng Tăng Lăng (xã Krong, huyện KBANG) được Hội LHPN tỉnh xây dựng năm 2020 thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Kế thừa xứng đáng những thành quả của thế hệ đi trước, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, nhiều mô hình đã trở thành “điểm sáng”, phù hợp với địa bàn có đông hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số như: xây nhà tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân; kho thóc tình thương; kết nghĩa giữa thôn người Kinh và chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số… đã thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt.
Tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia phong trào, hoạt động Hội, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, khơi dậy sự năng động, sáng tạo, phát huy mạnh mẽ nội lực và sức sáng tạo của phụ nữ hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội trọng tâm của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Chứng kiến sự trưởng thành ấy, bà H’Nghia xúc động: “Tôi rất mừng vì phong trào phụ nữ ngày càng phát triển lớn mạnh, đi vào thực tiễn đời sống, cán bộ Hội ngày càng có tri thức, năng động. Điều đó cho thấy thời kỳ nào, phụ nữ cũng có ý thức tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rèn luyện bản lĩnh. Tuy nhiên, những nhiệm vụ trong thời đại mới đòi hỏi phụ nữ không ngừng nâng cao trình độ, sự tự tin. Bản thân tôi dù đã nghỉ hưu, nhưng khi còn sức, chúng tôi sẽ còn học tập và sẽ học tập suốt đời, đồng thời tham gia vào các phong trào ở địa phương, để mọi người không ai có thể nói chúng ta là “phái yếu”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.