Làm gì để giữ chợ nổi miền Tây?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là vấn đề mà các nhà nghiên cứu, người làm du lịch ở TP.Cần Thơ bàn luận tại Hội thảo “làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng” diễn ra ngày vào ngày 15.10.
Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, chợ nổi Cái Răng vẫn đang khẳng định là chợ nổi tự nhiên, có quy mô lớn ở Việt Nam, hấp dẫn hơn cả chợ nổi Thái Lan, bởi còn giữ được bản sắc và giá trị gốc.
Chợ nổi đang mất dần?
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ, chợ nổi là nét đẹp riêng của ĐBSCL, là hình thức nhóm, họp, mua bán trên sông của cư dân bằng các loại ghe, xuồng mà hàng hóa mua bán chủ yếu là các loại nông sản.
Hầu hết chợ nổi vùng ĐBSCL được nhóm họp tại vị trí đầu mối các tuyến giao thông đường thủy gần khu vực có hệ thống giao thông đường bộ chưa thật sự phát triển, gần trung tâm thị tứ…
Tại những tuyến giao thông đường thủy chính, một số chợ nổi được hình thành và nhiều người biết đến như: Cái Bè (Tiền Giang); Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ); Ngã Bảy (Hậu Giang); Trà Ôn (Vĩnh Long); Ngã Năm (Sóc Trăng); Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang); Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau); Vĩnh Thuận (Kiên Giang)…

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng.
Trong các chợ nổi trên, hai chợ nổi Cái Bè và Cái Răng có nhiều lợi thế, thuận lợi và được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến trong các chuyến tham quan khi đến miền Tây.
Năm 2016, “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hàng năm, số lượng du khách đến chợ nổi này ước khoảng 750.000 lượt khách.
Tuy nhiên, ngày nay hệ thống giao thông đường bộ phát triển nên nhiều chợ nổi có nguy cơ “chìm”, mặc dù được kết hợp chức năng kinh tế với du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chợ nổi ĐBSCL nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cần bảo tồn văn hóa sông nước bài bản hơn
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho biết, trước đây khi bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, khi du lịch chợ nổi phát triển mạnh mẽ nhất, cùng lúc chính quyền địa phương di dời các chợ nổi với lý do cản trở giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường… Do sự áp đặt ý chí chủ quan, các chợ nổi bị đưa ra xa chợ trên bờ, rồi biến mất trên bản đồ sông nước.
Cũng theo ông Hùng, thời điểm đó, may mắn chợ nổi Cái Răng cũng di dời, nhưng không xa, còn liền kề với chợ trên bờ, với nhà vựa. Vì vậy, chẳng những chợ nổi Cái Răng không chết, mà còn phát huy sức sống, được hưởng lợi từ các đợt di tản của giới thương hồ ở chợ nổi Ngã Bảy, Trà Ôn, Phong Điền…
Đến thời điểm năm 2020, dù đang ở giai đoạn “thoái trào”, chợ nổi Cái Răng vẫn đang khẳng định là chợ nổi tự nhiên, có quy mô lớn ở Việt Nam, nếu không nói là hấp dẫn hơn cả chợ nổi Thái Lan, bởi còn giữ được bản sắc và giá trị gốc. Đồng thời, trở thành biểu tượng văn hóa sông nước độc đáo vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Để bảo tồn và phát huy những lợi thế trên, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng, trong bảo tồn văn hóa chợ nổi cần nghiên cứu có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Cùng với đó là mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đến trên sóng nước…

Người dân bán các loại trái cây cho du khách khi đến tham quan tại chợ nổi Cái Răng.
Người dân bán các loại trái cây cho du khách khi đến tham quan tại chợ nổi Cái Răng.

 
Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết, trên 70% khách du lịch đến Cần Thơ đã tham quan chợ nổi Cái Răng. Sức hút của chợ nổi là du khách được tận mắt thấy tập quán sinh hoạt rất đặc trưng của người dân các địa phương vùng sông nước, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc.
Còn ông Stiermann Martin – Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Cánh Đồng Vàng ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) cho biết, chợ nổi Cái Răng là địa điểm gây hứng thú cho những người khách nước ngoài. Tuy nhiên, ông rất buồn khi chợ nổi Cái Răng ngày càng ít ghe thuyền.
"Chính sự dân giã, truyền thống, tính tự do của chợ nổi vùng ĐBSCL mới chính là điều khiến ông yêu Việt Nam, cũng là điều thu hút được khách nước ngoài và làm rung động tâm hồn của họ. Không nên làm các công trình bằng sắt thép vì như vậy thì không khác gì các nước khác" - ông Stiermann cho hay.
Theo LĐO

https://dulich.laodong.vn/cau-chuyen-du-lich/lam-gi-de-giu-cho-noi-mien-tay-845675.html

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.