Một ngày ở Cẩm Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm ở vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam, Hội An là nơi gặp gỡ, hợp lưu của nhiều sông lớn. Các dòng sông này gắn bó với sự hình thành và phát triển của vùng đất Hội An. Chúng vừa là nguồn phù sa bồi đắp nên một vùng đồng bằng trù phú, vừa là những tuyến giao thông huyết mạch nối Hội An với các khu vực khác.

Nơi đây từng là một phố cảng buôn bán tấp nập trong thế kỷ XVII và XVIII. Trải qua thời gian, Hội An vẫn giữ được những đường nét cổ kính. Những nếp nhà thâm nghiêm hòa với vẻ lung linh, huyền ảo đã biến phố Hội trở thành một điểm du lịch nổi tiếng.

Cách thành phố Hội An chừng 3km về phía Đông Nam, xã Cẩm Thanh có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt. Vùng đất này thường xuyên bị nhiễm mặn nên tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển, đặc biệt là cây dừa nước.


 

 Rừng dừa Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.
Rừng dừa Bảy Mẫu nhìn từ trên cao.



Từ cây dừa nước...

Dừa nước Cẩm Thanh có nguồn gốc từ Nam Bộ. Những cây dừa đầu tiên được trồng cách đây trên 200 năm. Tương truyền, khi xưa những người dân nơi đây xuôi thuyền xuống vùng Nam Bộ buôn bán. Khi về, cùng với hàng hóa, họ mang theo cây dừa nước, một loại cây tuy rất phổ biến ở miền Nam nhưng vẫn còn lạ lẫm với người bản địa. Ban đầu, dừa được trồng thành từng cụm nhỏ dọc theo các sông, mương.

Theo thời gian, chúng phát triển thành một cánh rừng bạt ngàn mà người dân gọi là rừng dừa Bảy Mẫu rộng hàng chục hecta, nằm giáp 3 con sông Đế Võng, Thu Bồn và sông Hoài ngay khu vực Cửa Đại.

Cây dừa có phần rễ và thân nằm sâu dưới lớp bùn đất, nước, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên. Hoa cái nở thành chùm, ở đầu cụm hoa hình cầu. Hoa đực màu cam hoặc vàng dạng đuôi sóc. Sau khi hoa thụ phấn, những trái nhỏ kết chặt nhau như một quả cầu gai, có đường kính từ 25 đến 30 cm. Một quả cầu tương đương với một buồng dừa, mỗi buồng có từ 40 - 60 trái, mỗi trái bé bằng quả trứng, màu nâu sẫm như đất.

Trong trái có cơm (cùi) màu trắng đục, mềm, vị ngọt nhẹ, thanh mát. Khi quả già, cơm cứng lại. Quả dừa nước già khô sẽ rụng xuống đất và phân tán theo thủy triều, có thể mọc mầm ngay khi trôi nổi. Cây dừa nước từ khi trồng đến khi ra hoa kết trái mất khoảng 10 năm.


 

Khách du lịch tấp nập ở Cẩm Thanh vào những ngày cuối tuần.
Khách du lịch tấp nập ở Cẩm Thanh vào những ngày cuối tuần.



...đến nghề làm nhà bằng tre và dừa

Rừng dừa lúc đầu được trồng với mục đích chắn sóng, chắn gió. Sau này, do sự gắn bó lâu dài với cây dừa mà nơi đây đã xuất hiện nghề làm nhà từ tre và dừa. Bên cạnh các làng nghề nổi tiếng quanh Hội An như rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, đèn lồng Cẩm Châu, đến nay, nghề này đã trở thành nghề truyền thống của làng Cẩm Thanh.

Làng nghề hoạt động theo quy mô hộ gia đình và truyền nghề theo hình thức cha truyền con nối. Ở thời kỳ phát triển, làng Cẩm Thanh có hàng chục hộ làm nghề này. Tuy nhiên, khi các vật liệu xây dựng mới có giá rẻ hơn và tiện dụng hơn ra đời thì nghề làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh bắt đầu suy thoái. Người ta không còn làm nhà tre dừa để ở nữa. Vì thế, những năm gần đây, để giữ gìn nghề truyền thống và cũng là để đảm bảo sinh nhai, người dân chuyển hướng sang làm nhà và các sản phẩm mỹ nghệ từ tre, dừa phục vụ du lịch. Từ đó, nghề làm nhà tre dừa không những không bị mai một mà còn được phát triển theo hướng nâng cao tính nghệ thuật, thẩm mĩ của mỗi sản phẩm.

Để làm được một ngôi nhà từ tre và dừa phải trải qua nhiều bước, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người thợ. Các công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu cho đến làm mái dừa, đan khung tre, đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Bởi vậy, sự hiện hữu của những ngôi nhà là lời ngợi ca chân thực dành cho đôi tay tài hoa của những người làm ra nó.

Khi ánh nắng lấp lánh trên mặt nước sông Hoài, những rặng dừa xanh tốt, mỡ màng tiếp nối như một thành lũy dựng ở triền sông, bờ sông Hoài xôn xao hẳn lên với cảnh trên bến dưới thuyền, kẻ mua, người bán các nguyên liệu từ cây dừa nước, tạo nên khung cảnh làng quê ven sông với những âm thanh bình dị, thân thuộc của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Trên con đường đi vào xã Cẩm Thanh, ta lại thấy cảnh người người nhộn nhịp phơi lá dừa, cọng dừa hoặc gia công chế biến...


 

Du khách đi thuyền thúng trải nghiệm rừng dừa.
Du khách đi thuyền thúng trải nghiệm rừng dừa.



Bao trùm tất cả là bầu không khí làm việc khẩn trương, hăng say của mọi người. Không quản cái nắng rát của những buổi trưa oi ả, những người dân làng ven biển lam lũ với làn da rám nắng vẫn miệt mài bên những nguyên vật liệu để kết thành những tranh dừa. Những đôi tay chai sạn thoăn thoắt từng mũi kim tre một cách khỏe khoắn, thành thục và khéo léo, luồn những sợi cước để cột lá dừa vào các khung tre hết sức tỉ mỉ và chắc chắn. Biết bao nhiêu giọt mồ hôi của sự nhọc nhằn đã thấm vào từng lớp lá dừa để từ đó cho ra đời ngôi nhà tre dừa độc đáo. Dù vất vả nhưng những người dân nơi đây vẫn yêu nghề tha thiết. Từng ngày, họ vẫn gắn bó máu thịt với rừng dừa nước và phát triển nghề làm nhà tre dừa để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của mình.

Khách thập phương đến với Cẩm Thanh có thể thư dãn trong căn nhà lá bình dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, trang nhã. Có độ bền khoảng 15-20 năm, với lợi thế mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp nên nhà tre dừa đã trở thành nơi nghỉ ngơi của nhiều du khách khi đến với Cẩm Thanh. Vì thế, nhiều nhà hàng, nhà vườn, quán cafe, homestay với kiến trúc nhà tre dừa trở thành là điểm đến lý tưởng của du khách. Bao bộn bề của cuộc sống được bỏ lại bên ngoài những bức tranh dừa, để chỉ còn sự bình lặng, thảnh thơi nhất neo đậu trong tâm hồn mỗi người.

Không gây ấn tượng bởi quy mô đồ sộ, hoành tráng, những nếp nhà tre dừa nhỏ nhắn, giản dị rất phù hợp với không gian của một vùng quê sông nước yên bình. Bằng sự cần mẫn và tình yêu nghề, nhiều thế hệ nghệ nhân ở Cẩm Thanh đã để lại những giá trị văn hóa đặc sắc cho vùng đất này.

 

Ngoài làm du lịch, công việc chính của người dân nơi đây là đi biển.
Ngoài làm du lịch, công việc chính của người dân nơi đây là đi biển.



Không gian Nam Bộ trong lòng phố Hội

Một ngày rời phố, len lỏi giữa rừng dừa Bảy Mẫu, ta sẽ được hít thở bầu không khí trong lành của một không gian xanh thoáng đãng, rộng lớn và hoang sơ, nơi ta có thể đi thuyền thúng chầm chậm để cảm nhận từng chút một, hương vị riêng có của làng quê ven biển. Điểm xuyết trên cái nền bạt ngàn xanh là những loài chim cánh trắng muốt kiếm ăn ở ven bờ, thỉnh thoảng lại bay lên với những nhịp đập cánh bình yên như một nét chấm phá đầy tinh tế trong một thoáng xôn xao rất nhẹ của thiên nhiên.

Lênh đênh theo những con thuyền đơn sơ, du khách có thể cùng ngư dân quăng chài, bủa lưới, đánh cá trên sông. Sẽ thích thú và hào hứng biết bao khi tự tay mình kéo lên những mẻ cá lấp lánh ánh bạc trong nắng rực rỡ. Cũng từ đôi bàn tay lao động chất phác, mộc mạc ấy, người dân nơi đây đã hướng dẫn du khách làm những món đồ lưu niệm xinh xắn.

Không phải là những loại đồ chơi bằng nhựa xanh đỏ hay những sản phẩm đắt tiền được bày bán ở bất cứ một khu du lịch nào, những món đồ lưu niệm ở đây được làm từ dừa bởi chính bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của từng du khách. Thật  là thú vị khi tự mình làm được chiếc mũ thổ dân đội đầu, một bông hoa cài lên áo, một chiếc nhẫn đeo vào ngón tay hay một con vật ngộ nghĩnh nào đó.

Ngồi trên những con thuyền mộc mạc, ngắm nhìn bức tranh văn hóa truyền thống của một làng biển là những trải nghiệm khó quên với mỗi người. Chính những hình ảnh lao động đời thường đầy chất phác và giản dị này đã làm nên nét hấp dẫn riêng của làng dừa Cẩm Thanh.

Dạo trong rừng dừa, thích thú nhất là khi du khách được tự mình chèo thuyền thúng. Cảm giác tròng trành trên con nước mang đến một trải nghiệm mới lạ. Hơn nữa, họ còn muốn được thử một trò chơi dân gian độc đáo ở Cẩm Thanh, đó là trò lắc thuyền thúng. Ngoài việc giữ thăng bằng, những người làm nghề lắc thúng còn có những kĩ năng biểu diễn sao cho nước bắn lên phải tạo ra vòng xoáy thật đẹp mắt. Chính vì thế mà họ được xem là những nghệ sĩ xiếc trên sông.


 

 Một góc sông nước Nam bộ trong lòng Hội An.
Một góc sông nước Nam bộ trong lòng Hội An.




Bên cạnh đó, nó không chỉ là nghệ thuật mà còn là sự gan dạ và tính cách mạnh mẽ của con người nơi đây. Những tiếng cười sảng khoái vang lên khi chúng ta điều khiển chiếc thuyền thúng xoay tít trên mặt sông phải chăng chính là sự chiến thắng của con người trước thiên nhiên, cho thấy tư thế đẹp đẽ của con người đạp trên từng con sóng.

Khi sự rộn rã và những tiếng vỗ tay tán thưởng nơi mặt sông đã lắng xuống, du khách lại được thả hồn vào những giai điệu mộc mạc và trữ tình của hò khoan xứ Quảng.

Hò khoan đối đáp ở Cẩm Thanh sâu lắng và êm dịu như dòng sông Hoài thơ mộng. Lời ca, điệu hát đã trở thành phương tiện để con người tâm tình, trao duyên, đồng thời thể hiện tâm hồn lãng mạn và bay bổng của những con người “ăn sóng nói gió”. Những tiếng hát vang lên tan vào mặt sông, len lỏi giữa cánh rừng Bảy Mẫu luôn níu chân du khách khi tới chốn này.

        “Đò đưa khuya sáng sớm trưa
        Đò đưa năm tháng nắng mưa
        Đưa bao người du khách tới rừng dừa Cẩm Thanh
        Nên chừ em mới gặp anh
        Ta về đồng muối trắng cho mặn tình quê hương
        Ta về đồng muối trắng ta nói chuyện yêu thương...”.

Một ngày ở Cẩm Thanh, bỏ lại những ồn ào của phố phường, thành thị, ta như được sống cho riêng mình trong cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và phóng khoáng, được trở về với tuổi thơ hồn nhiên trong một không gian đơn sơ, bình dị của những nếp nhà tre dừa. Rừng dừa không chỉ đem lại vẻ đẹp yên bình và xanh mát cho một vùng sông nước trữ tình mà còn là nguyên liệu để con người sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng.

Sự hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và nhân văn của rừng dừa Cẩm Thanh luôn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách trong mỗi hành trình khám phá.

Nhật Minh (cand)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.