"Đánh thức" Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Danh thắng Biển Hồ (TP. Pleiku) là một không gian độc đáo, sơn thủy hữu tình. Được bàn tay con người tôn tạo, “đôi mắt Pleiku” càng thêm vẻ quyến rũ, hài hòa. Dù vậy, nhiều du khách đến đây vẫn có chút hụt hẫng và cho rằng Biển Hồ cần được đánh thức để thực sự xứng tầm với những tiềm năng sẵn có.
Có nhiều huyền thoại về Biển Hồ như sự tích gắn với câu chuyện cổ Jrai, chuyện hồ sâu không đáy và thông ra tận Biển Đông… khiến bao người tò mò. Danh thắng này lại được giới làm nghệ thuật hết lời ca ngợi vẻ đẹp trời phú nên đã hình thành, bồi đắp trí tưởng mỗi du khách về một Biển Hồ lung linh, ảo diệu. Vì vậy, khách phương xa ai cũng khát khao được chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Quả thật, vào tiết trời khô tạnh, mọi thời khắc trong ngày nơi đây đều đẹp mê hồn với trời xanh lồng bóng nước miên man trải rộng, sóng lượn nhấp nhô cùng muôn vàn ánh mặt trời lung linh. Và mới đây, nhóm hạng mục công trình: tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, con đường dẫn từ cổng vào lầu tượng, bờ kè hành lang, đường men theo mép nước dưới chân lầu ở Biển Hồ Pleiku được đưa vào sử dụng đã khoác lên “đôi mắt Pleiku” một diện mạo mới, khang trang hẳn, hút chân cả khách du lịch tâm linh.
   Danh thắng Biển Hồ (TP. Pleiku).
Danh thắng Biển Hồ (TP. Pleiku).

Đứng dưới chân tượng Phật bà đưa mắt nhìn, giữa mênh mông xanh thẳm ấy, vài chiếc thuyền câu mong manh như chiếc lá hút xa tầm mắt điểm xuyết tạo điểm nhấn ấn tượng. Biển Hồ đẹp nhờ bởi có núi thẳm lô nhô bao viền tạo cho mặt hồ luôn bình yên sóng vỗ ngay cả hôm trời cả gió. Con đường vòng quanh chân tượng tháp đủ vừa cho đôi tình nhân nắm tay song bước, cùng ngắm sóng vỗ mấp mô, vô hồi gió lộng hết sức lãng mạn. Có cây sanh già đổ nghiêng về phía mặt hồ nhường phần gốc sần sùi cho ai ghé ngồi tạo dáng làm duyên. Giữa lưng chừng vách núi, dòng chữ Biển Hồ Pleiku cỡ lớn, màu vàng tươi rực lên trong nắng sớm.

Ngược về hướng Tây là hồ B. Một phần diện tích mặt hồ thuộc xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), được phân cách bởi con đập tràn, có chiếc cầu treo làm bằng sắt cách không xa. Diện tích hồ ở đây rất rộng, hoạt động khai thác thủy sản quanh năm sôi động. Còn có cả hoạt động tưới tắm vườn chè có từ trăm năm trước. Hàng thông cổ thụ đường kính vài vòng tay người lớn rợp bóng con đường mấy trăm mét len mình giữa vườn chè xanh ngút ngát tạo cảm giác bình yên đến lạ cho ta dừng chân hay thư thái chậm bước. Chùa Bửu Minh cổ kính, được trùng tu ngày đêm vọng câu kinh lời kệ, cùng tiếng chuông vang xa cho tâm hồn nhẹ hẫng bay lên vơi nỗi buồn nhân thế! Hai năm trở lại đây, vào đầu mùa khô, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya được tổ chức mời gọi du khách bốn phương không chỉ trong nước hội về. Mỗi điểm đến vừa kể cách nhau không xa, mang vẻ đẹp riêng, chừng như ngày quang tạnh luôn có du khách dừng chân thưởng ngoạn nhưng lại chưa có mối liên kết cho chuỗi hành trình tham quan du lịch, là lý do gây cảm giác hụt hẫng trong lòng du khách.
Thực tế, hồ A có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho cả TP. Pleiku, vì thế nguồn nước cần được giữ sạch. Khai thác du lịch theo hướng xây nhà hàng nổi ven bờ; tổ chức tàu du lịch, ca nô tàu lượn quanh lòng hồ là không thể. Tuy thế, trên con đường rộng 8 m, uốn lượn giữa cánh rừng thông dài hơn 1 km dẫn từ cổng di tích về đến chân tượng tháp, nếu được đón đưa bằng xe điện hoặc lóc cóc trên chuyến xe ngựa thồ sẽ phần nào giúp du khách, nhất là các em bé đỡ chồn chân, lại thêm phần thú vị khi ngắm nhìn.
Tôi tưởng tượng, nếu được ngồi trên cabin cáp treo nối hồ A với hồ B phóng tầm mắt ra xa khắp Phố núi đến làng quê, bên dưới là hồ xanh núi thẳm thì tuyệt vời đến nhường nào. Cùng với đó, tổ chức liên kết những điểm đến gồm: Biển Hồ chè, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh, một thôn/làng nông thôn mới kiểu mẫu nào đó thuộc xã Nghĩa Hưng (nếu được đầu tư xây dựng) hẳn sẽ hấp dẫn lắm! Đầu tư dài hơi hơn, cũng bắt đầu từ hồ A, đi cáp treo đến hồ B rồi bằng tàu du lịch dọc các xã Tân Sơn, Chư Jôr rồi về với Chư Đăng Ya thưởng ngoạn hoa dã quỳ thì còn gì tuyệt vời hơn. Du khách hẳn có nhiều thời gian để “sống” với “đôi mắt Pleiku” để rồi theo đó, những chàng trai/cô gái hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp, lịch lãm có điều kiện giới thiệu về vùng đất, con người cùng lớp lớp vỉa tầng văn hóa nơi đây…
Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.