Khám phá núi Chúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Núi Chúa (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là ngọn núi cao nhất trong dãy núi chạy dọc ranh giới giữa Quảng Ngãi, Bình Định và men lên hướng huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Do vậy, đứng trên đỉnh núi Chúa có thể nhìn thấy một vùng đất rộng lớn của cả 3 tỉnh. Có địa thế đặc biệt và gắn với nhiều truyền thuyết kỳ bí nên núi Chúa có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Giải thích về tên gọi, người dân ở đây cho rằng, vì đây là ngọn núi cao nhất dãy núi này nên được gọi là núi Chúa. Cũng có một giả thuyết khác, đó là do thời Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) thất trận đã chọn địa thế hiểm trở này để kéo quân lên ẩn náu. Giả thuyết nào cũng có lý lẽ của nó, bởi trên đỉnh núi Chúa vẫn còn nhiều dấu tích của một thời chiến chinh.

 

Một đoạn trường lũy chạy ngang qua núi Chúa.   Ảnh: T.Đ
Một đoạn trường lũy chạy ngang qua núi Chúa. Ảnh: T.Đ

Núi Chúa đứng một mình như cái bát úp, chỉ có một con đường vào núi duy nhất, xung quanh là những vực thẳm thẳng đứng. Đường vào núi rất hẹp, được gọi là cửa sinh, tất cả các hướng còn lại đều là cửa tử. Cây rừng trên núi Chúa cao đều, ít có cây gai nhỏ nên rất khó định hướng. Nếu đi vào núi mà không đánh dấu đường đi thì khi ra chỉ cần đi sai một bước chân là có thể rơi vào cửa tử. Tôi thử nhặt một hòn đá ném xuống vực, chỉ nghe tiếng lăn lộc cộc vọng mãi không ngừng. Đã có người đi tìm trầm trong vùng núi này không ra kịp trước chiều tối đã quăng xác xuống những vực thẳm.

Trong núi Chúa còn dấu tích của vườn cam, cổng trời, suối Oan Hồn, bãi Bằng Lạc... Tương truyền rằng, khi ngự ở đây, vua Gia Long đã trồng vườn cam mà đến nay vẫn còn. Bãi Bằng Lạc rất bằng phẳng, là nơi binh lính luyện tập. Nơi này còn có một hòn đá mòn nhẵn được cho là nơi vua Gia Long thường ngự để điều binh. Trong núi có một con suối đá, gọi là suối Oan Hồn vì cứ chiều sụp xuống thì từ suối này lại có mùi hương nhang bay lên. Trong khe núi, nơi cổng trời (được tạo tác bởi một cây cổ thụ, rễ của nó phủ từ bên này qua bên kia dòng suối) vang lên những âm thanh ai oán. Tương truyền rằng, nơi đây có nhiều binh lính và cung phi chết, những thân cây dó bầu mục khi gặp nắng nóng thì hun lên mùi giống hương nhang như để giải thoát những oan hồn. Chiều buông xuống, bốn bề mây mù phủ kín, trời lạnh và gió. Ai vào núi Chúa cũng ít dám ở lại sau buổi chiều bởi sự hiểm trở và linh thiêng của núi.

Chạy ngang qua núi Chúa có một dãy trường lũy kéo dài từ Quảng Nam qua Quảng Ngãi vào tới An Lão-Bình Định, đến núi Chúa là đoạn cuối cùng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là trường lũy dài nhất Đông Nam Á. Công trình được làm bằng đá xếp chồng lên nhau, cao khoảng 2 m, chân đế khoảng 3m, đỉnh rộng hơn 1 m. Cứ vài ki-lô-mét trường lũy lại có một điếm canh rộng hơn 500 m2. Nhìn tổng thể, trường lũy này như một con rồng nằm vắt qua những cánh rừng, sườn đèo. Đây được cho là công trình của nhà Nguyễn, từ thời Gia Long do tả quân Lê Văn Duyệt bổ sung, kết nối tạo thành bức tường ngăn người vùng cao (người Man, chủ yếu là các dân tộc thiểu số) nổi dậy chống triều đình nên được gọi là Tĩnh Man Trường Lũy. Năm 2011, trường lũy này ở đoạn qua Quảng Ngãi đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Chinh phục, khám phá núi Chúa cùng với di tích này vì thế đã trở thành một hành trình đầy lý thú.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.