Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trưởng thành sau ba lần khởi nghiệp thất bại, với 4 năm không ngừng cố gắng dẫu chịu áp lực nặng nề, cuối cùng hương trà từ hoa và thảo mộc của cô gái này đã có được “vị ngọt”.
 
Cô gái khởi nghiệp thành công với trà từ hoa, thảo mộc. Ảnh: Thượng Hải
Cô gái khởi nghiệp thành công với trà từ hoa, thảo mộc. Ảnh: Thượng Hải
Chọn một thị trường ngách chưa được nhiều người biết đến, chị Lâm Nguyễn Hồng Ngân (34 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM) mong muốn mọi người có thể cảm nhận hương vị của trà theo cách vừa gần gũi, vừa hiện đại.
Ba tháng ăn chay và nếm trà để tìm ra một vị ưng ý
Khi còn là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chị Hồng Ngân cảm nhận bản thân cần một môi trường mới để thay đổi nên quyết định làm hồ sơ sang Singapore du học. Ngày chị trở về, với những tư duy học được sau 4 năm và niềm đam mê thử thách bản thân, Hồng Ngân quyết định khởi nghiệp nhưng mỗi dự án đều "chết yểu" vì tồn tại không quá 1 năm.
“Tôi đã từng khởi nghiệp với trang sức bằng đồng, bánh mì, mỹ phẩm organic và cả ba lần đều không thành công. Thời điểm đó tôi còn khá trẻ, có ý tưởng khởi nghiệp thì cứ lao vào làm mà không để ý đến thị trường lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên mọi lý do để thất bại đều có cả”, Hồng Ngân cho hay.
 
Chị Ngân từng rất vất vả để đi tìm nguồn nguyên liệu để làm trà. Ảnh: Thượng Hải
Chị Ngân từng rất vất vả để đi tìm nguồn nguyên liệu để làm trà. Ảnh: Thượng Hải
Sau 3 lần vấp ngã, chị làm các công việc khác một thời gian nhưng khát khao khởi nghiệp vẫn còn đó. Đúc rút những bài học, kinh nghiệm sau những lần thất bại ấy, chị Ngân bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp làm trà từ hoa và thảo mộc vào cuối năm 2018.
“Từ bé, tôi đã thích uống trà và thức uống này cũng cho tôi biết nhiều ý nghĩa cuộc sống. Để lấy sở thích kinh doanh, tôi đã tìm hiểu và đọc khá nhiều các tài liệu về các loại trà trên thị trường từ châu Âu đến châu Á. Và nhận ra dòng trà blend (trà hỗn hợp) từ các loại hoa, thảo mộc đang rất thịnh hành trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì ít phát triển nên tôi đã quyết định chọn đi trên con đường này”, chị Ngân kể.
Thời gian gian đầu, chị Ngân tìm đến các khóa học của nước ngoài về trà blend để tự học cách làm trà và đọc nhiều sách thảo mộc để tìm ra công thức của riêng mình, làm sao để nguyên liệu và hương vị gần gũi, phù hợp với người Việt Nam. Và đó chính là giai đoạn đầy khó khăn của chị Ngân.
Chị Ngân chia sẻ: “Tôi đi tìm các loại hoa, thảo mộc và trái cây sấy làm trà ở nhiều nông trại như: Lâm Đồng, Đà Lạt, Long An, Đồng Tháp… Lúc đó, các vùng nguyên liệu còn hạn chế và rất khó tìm mà phải giám định chất lượng sản phẩm thật kỹ vì có một lần tôi đăng ký kiểm định thì trà chứa nhiều kim loại nặng do nguyên liệu lấy ở vùng đất bị nhiễm phèn”.
 
Mỗi một vị trà là quá trình thử nghiệm hết sức công phu của chị Ngân. Ảnh: NVCC
Mỗi một vị trà là quá trình thử nghiệm hết sức công phu của chị Ngân. Ảnh: NVCC
Để kinh doanh được trong siêu thị và các tập đoàn lớn, chị Ngân đã đăng ký kiểm định Vệ sinh an toàn thực phẩm và mỗi năm phải đăng ký mới lại một lần. Nếu mẫu không đạt thì phải kiểm tra lại nguồn nguyên liệu, làm trà lại từ đầu rồi gửi đi kiểm định tiếp tục.
 
Sản phẩm trà hoa, thảo mộc của chị Ngân được tham gia triển lãm về Nông Nghiệp và Thực Phẩm tại Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: NVCC
Sản phẩm trà hoa, thảo mộc của chị Ngân được tham gia triển lãm về Nông Nghiệp và Thực Phẩm tại Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: NVCC
Không chỉ vậy, theo chị Ngân việc kết hợp các loại nguyên liệu với nhau để ra hương vị chuẩn cũng rất công phu, một túi trà blend bao gồm hơn 10 loại hoa, thảo mộc khác nhau nên gia giảm tỉ lệ một chút thì vị cũng thay đổi. "Có khi để tìm ra một vị trà ưng ý, mình phải hạn chế gia vị, ăn chay nhiều hơn trong các bữa cho vị giác cân bằng để nếm trà suốt 3 tháng", chị Ngân kể.
Đã có nhiều đối tác quốc tế ký hợp đồng mua sản phẩm
Trong hành trình 4 năm khởi nghiệp của mình thì hết 3 năm chị Ngân dành thời gian để thử nghiệm và xác định con đường định hướng của bản thân. Khoảng thời gian đó, có lúc chị gặp áp lực đến mức tưởng chừng như con đường này đã thất bại.
“Vào thời điểm 2 năm dịch Covid-19, khi toàn thành phố đóng cửa do giãn cách xã hội là lúc tôi áp lực nhất vì không thể giao hàng, mấy tháng liên tục không có doanh thu và nỗi lo về sức khỏe của gia đình, nhân viên. Lúc đó, tôi hầu như mất phương hướng vì không biết khi nào sự khó khăn kết thúc và mình phải đợi đến bao giờ”, chị Ngân bộc bạch.
 
Chị Ngân tự hào khi các sản phẩm của mình đã ký hợp đồng với những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Thượng Hải
Chị Ngân tự hào khi các sản phẩm của mình đã ký hợp đồng với những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Thượng Hải
Lúc đó, chị đã chọn quay về con người bên trong, lắng nghe bản thân nhiều hơn và nhờ sự động viên của gia đình, chị quyết định tiếp tục bước đi tiếp trên con đường đầy chông gai. Và đây cũng chính là lúc chị định hướng rõ ràng về sự nghiệp đã chọn, khi tất cả các sản phẩm trà sau này không chỉ có giá trị thưởng thức mà còn chữa lành cho tinh thần bên trong.
Chị Ngân chia sẻ: “Trong giai đoạn dịch bệnh thì tôi có làm hộp trà “Việt Nam phi thường”, với mỗi túi trà là một câu chuyện, lời tri ân đến bác sĩ, công an, bộ đội biên phòng và người lao động. Khi gửi tặng đến 11 bệnh viện thì được mọi người đón nhận rất nhiều, đây chính là động lực để tôi tiếp tục tin yêu vào hành trình khởi nghiệp của mình”.
 
Hồng Ngân cho rằng sự cố gắng và giá trị xã hội mà doanh nghiệp mang lại có giá trị học hỏi về khởi nghiệp cho người trẻ hơn là nhìn vào doanh thu. Ảnh: Thượng Hải
Hồng Ngân cho rằng sự cố gắng và giá trị xã hội mà doanh nghiệp mang lại có giá trị học hỏi về khởi nghiệp cho người trẻ hơn là nhìn vào doanh thu. Ảnh: Thượng Hải
Chị Trần Thị Xuân Nhiên (phụ trách mảng nhân sự của Hemilys Tea) cho hay: “Trong công việc chị Ngân hỗ trợ mọi người rất nhiều, chị luôn động viên, tạo cảm giác gần gũi và chú trọng đến trải nghiệm của nhân viên. Vì quý mến tình cảm đó mà tôi đã quyết định gắn bó và đồng hành cùng chị từ khi còn là một khách hàng”.
Đến nay, điều chị Ngân cho rằng mình thành công nhất chính là các sản phẩm trà của mình đã ký được các hợp đồng đặc biệt, không chỉ phân phối toàn quốc mà còn quốc tế như: Vietnam Airlines, VietJet Air, 7Eleven, Samsung, Intel, H&M... góp phần đưa thương hiệu Việt cạnh tranh với quốc tế và làm giàu thêm nền sinh thái địa phương. Và chị không muốn chia sẻ về doanh thu khi cho rằng điều này sẽ không có ý nghĩa vì nhiều người trẻ khi nhìn vào con số doanh thu quá lớn mà vô tình hiểu sai về con đường khởi nghiệp rồi chạy theo sẽ rất nguy hiểm.
“Đối với tôi, việc các doanh nghiệp thể hiện sự thành công qua việc tạo giá trị xã hội và quá trình cố gắng của họ sẽ giúp người trẻ học hỏi được nhiều hơn là qua con số doanh thu. Người trẻ muốn khởi nghiệp hãy dám ước mơ nhưng dự án tạo ra phải thực tế với nhu cầu của thị trường và xây dựng nội lực thật vững chắc. Bở vì trên con đường khởi nghiệp bạn sẽ gặp khá nhiều thử thách từ sự phản đối, từ chối, cô đơn cho đến khó khăn, thiếu thốn nên cần thật mạnh mẽ để giải quyết”, cô gái khởi nghiệp với trà khẳng định.
Theo Thượng Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.