Chàng trai huấn luyện chó thu về 350 triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rời châu Âu hoa lệ sau gần 10 năm gắn bó, chàng trai này quyết định trở về quê hương lập nghiệp với công việc huấn luyện chó nghiệp vụ.
Với những thành công hiện tại, anh Lê Văn Thuận (32 tuổi, ngụ tại H.Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) hài lòng trước quyết định khởi nghiệp đầy táo bạo của mình.
Quyết định mạo hiểm
Gia đình Thuận vốn thuần nghề nông tại H.Ninh Hòa (Khánh Hòa), dù cuộc sống không mấy dư dả nhưng anh vẫn không từ bỏ con đường học vấn. Năm 2010, khi đang theo học tại Trường ĐH Nha Trang, Thuận đã nhận được học bổng toàn phần của ĐH Kỹ thuật Liberec (Cộng hòa Séc) và anh đã sang trời Tây để du học.
Sau gần 10 năm học tập và làm việc, những tưởng Thuận sẽ bắt đầu một cuộc sống ổn định tại Séc, nhưng chàng trai này lại quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp.
 
Anh Thuận và niềm đam mê của mình. Ảnh: NVCC
Anh Thuận và niềm đam mê của mình. Ảnh: NVCC
“Tôi thấy môi trường này có nhiều áp lực, mỗi ngày thức dậy thì chỉ có đi làm, suốt khoảng thời gian dài cuộc sống tẻ nhạt đó cứ lặp đi lặp lại. Và tôi cảm thấy lạc lõng khi phải xa gia đình, nên muốn về Việt Nam để làm điều tôi thích”, Văn Thuận chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, cuối năm 2018, anh Thuận trở về Việt Nam. Ngày anh trở về đã vấp phải sự ngăn cản, phản đối từ gia đình và những người xung quanh vì đã dại dột từ bỏ một môi trường quá tốt để phát triển mà về Việt Nam làm lại từ đầu. Điều này khiến cho Thuận gặp áp lực rất nhiều.
“Lúc đầu nghe mọi người nói vậy thì bản thân tôi cũng đã có sự lung lay. Nhưng lúc đấy tôi đã quyết tâm với việc khởi nghiệp của mình rồi, đã xác định được hướng đi thì tôi phải có trách nhiệm với nó”, anh khẳng định.
Với hành trang trở về là chú chó thuộc dòng Malinois của Séc, anh Thuận quyết tâm khởi nghiệp bằng công việc huấn luyện chó nghiệp vụ. Anh cho biết từ bé đã rất thích chó và khi còn ở Séc anh đã có cơ hội tiếp xúc với công việc này. Vì thấy đây là công việc đem lại sự phát triển rất lớn nên anh đã quyết tâm về Việt Nam để khởi nghiệp.
 
 
Anh Thuận cho hay: “Ai cũng nghĩ đây là một công việc khá xa xỉ và ở Việt Nam sẽ không ai có nhu cầu. Nhưng tôi tìm hiểu thì biết có rất nhiều người thích cho chó đi học nghiệp vụ để có thể giúp giữ nhà, bảo vệ chủ nhân…, và huấn luyện chó còn là một môn thể thao”.
 
 
Do không thích cuộc sống bon chen ở thành phố, anh Thuận bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình tại Đắk Lắk, vì đây là nơi có không khí yên bình, mát mẻ phù hợp với công việc. Đến nay, anh đã gắn bó với công việc này được 5 năm.
Chị Lê Thị Thu Thắm (31 tuổi), vợ anh Thuận, chia sẻ: “Anh Thuận hiền, chịu khó và rất quan tâm đến gia đình. Tôi hiểu anh không thích môi trường gò bó nên cũng đồng lòng cùng anh khởi nghiệp”.
 
 
Xác định làm thì phải làm tới cùng
Thời gian ban đầu anh Thuận gặp rất nhiều khó khăn, dù đã làm việc để tích góp nhưng còn phải gửi về cho gia đình nên kinh phí khởi nghiệp lúc đó của anh chỉ tầm 800 triệu đồng và mảnh đất anh mua đã “ngốn” hết phân nửa tiền.
“Hồi đó, tôi chưa quen việc mà lại lập một trang trại lớn với 3 ha thì quá sức với mình, nên 2 năm đầu khởi nghiệp hầu như tôi không có thu nhập. Lúc đấy, đất còn bỏ hoang nên tôi cùng vợ tự xây dựng từ đầu, mà làm trang trại thì khuôn viên phải xa dân cư nên chỗ tôi ở nhà cửa rất thưa thớt. Cũng may có chó làm bạn, bảo vệ cho mình”, anh Thuận kể.

Ai cũng nghĩ đây là một công việc khá xa xỉ và ở Việt Nam sẽ không ai có nhu cầu. Nhưng tôi tìm hiểu thì biết có rất nhiều người thích cho chó đi học nghiệp vụ để có thể giúp giữ nhà, bảo vệ chủ nhân…, và huấn luyện chó còn là một môn thể thao.

LÊ VĂN THUẬN - ngụ tại H.Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk
Anh chia sẻ thêm làm nghề này nếu chỉ nhắm đến làm kinh tế thì rất khó, bản thân phải có tình yêu động vật, phải thương chó thì mới làm được. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên anh đã thất bại rất nhiều vì huấn luyện chưa ổn hoặc chăm sóc chó còn nhiều vấn đề. Buổi sáng anh làm vườn, còn buổi chiều thì huấn luyện và mọi thứ anh đều phải tự học.
Sau 5 năm cố gắng, anh Thuận đã đạt được thành công. Trong trang trại rộng 1,2 ha, mỗi tháng anh nhận huấn luyện từ 12 - 15 chú chó, ngoài dòng chó chính Malinois còn có chó chăn cừu, Golden, Alaska… Bên cạnh huấn luyện và nhân giống chó, anh Thuận còn phát triển mô hình sinh thái tại trại huấn luyện của mình với hồ bơi, vườn cây và các bãi cỏ rộng rãi cho khách đến gửi thú cưng có thể tham quan.
Tìm đến trang trại của anh Thuận với mục đích huấn luyện thú cưng tinh khôn hơn, chị Lê Thúy Kiều (49 tuổi, ngụ tại H.Krông Pắc, Đắk Lắk) chia sẻ: “Khi đến trang trại của Thuận thì tôi thấy khách hàng gửi chó rất nhiều. Trại rất rộng rãi và sạch sẽ, tôi rất hài lòng. Lúc nhận thú cưng về thì thấy sức khỏe tốt và nghe lời hơn”. Ngoài khách hàng trong nước, anh Thuận còn tiếp cận được với người yêu thú cưng ở Thái Lan, Campuchia, Lào… Với công việc nhân giống, huấn luyện chó cưng tinh khôn và phát triển mô hình sinh thái tại trại huấn luyện của mình, mỗi tháng anh Thuận thu về khoảng 300 - 350 triệu đồng.
Hiện tại, anh Thuận cảm thấy sự mạo hiểm ban đầu của mình là hoàn toàn xứng đáng và anh còn nhận hướng dẫn phát triển công việc cho những bạn trẻ có niềm đam mê giống mình.
Khi nói về thời điểm thích hợp để khởi nghiệp, anh Thuận cho hay: “Thời điểm khởi nghiệp tùy theo định hướng của mỗi người, đặc biệt phải chín chắn trong suy nghĩ như đã xác định làm thì phải làm đến nơi đến chốn, không “cưỡi ngựa xem hoa” hay “đứng núi này trông núi nọ”. Nếu không vững tâm thì rất khó quay lại, vì thời gian mình đang chật vật thì người ta đã thành công hết rồi”.
Theo Thượng Hải (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.