Những công nhân ưu tú ở Binh đoàn 15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 5-8, Binh đoàn 15 đã tổ chức hội nghị tôn vinh công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2022. 92 công nhân ưu tú được tôn vinh đợt này đều là những người không ngại nắng mưa, luôn bám vườn cây, bám đội sản xuất để cho ra những dòng nhựa trắng, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình.

 Các công nhân ưu tú giao lưu với đại biểu. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các công nhân ưu tú giao lưu với đại biểu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Điểm chung của 92 công nhân ưu tú được lựa chọn từ hơn 15 ngàn công nhân, người lao động trong toàn Binh đoàn để tôn vinh dịp này là họ đã gắn bó với đơn vị nhiều năm, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh Kpui Mol-công nhân thu hoạch mủ cao su của Đội 9 (Công ty TNHH một thành viên Bình Dương) sở hữu bản thành tích cá nhân khá ấn tượng. Cụ thể, năm 2013, anh đạt giải ba tại Hội thi thợ khai thác mủ cao su giỏi Binh đoàn 15; năm 2017 đạt bàn tay vàng cấp công ty; 3 năm liên tục (2017-2019) đạt danh hiệu lao động tiên tiến; năm 2020 và 2021 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Để có được thành tích ấy, chàng trai người dân tộc Jrai này đã nỗ lực không biết mệt mỏi. Anh Mol chia sẻ: “Cạo mủ cao su không khó, cái khó là làm sao để cạo được nhiều mủ, đúng kỹ thuật. Để làm được điều đó, mình luôn phải nỗ lực học tập nâng cao tay nghề. Trước hết, mình tìm những cây cao su già cỗi, hay bị hỏng của người dân trong làng để tập cạo và học hỏi mọi người để nắm chắc kỹ thuật. Nhờ làm công nhân mà cuộc sống gia đình mình giờ khấm khá hơn nhiều. Ngoài lương công nhân, mình còn trồng hơn 1 ha điều để nâng cao thu nhập”. Anh Mol quan niệm, muốn có năng suất cao thì phải coi cây cao su của đơn vị như tài sản của gia đình mình để chăm sóc, bảo vệ. Cũng chính từ quan niệm đó cùng những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2022, anh được Bộ Quốc phòng công nhận là chiến sĩ thi đua toàn quân.

Trong số công nhân ưu tú của Binh đoàn 15 mà chúng tôi gặp, dù đến từ nhiều vùng đất, thuộc dân tộc khác nhau, nhưng khi đã gắn bó với cây cao su và mảnh đất Tây Nguyên thì họ đều coi đó như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Chị Hoàng Thị Niệm-công nhân Đội 9 (Công ty 715) là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lạng Sơn. Ở quê thiếu đất sản xuất, năm 2012, nghe tin Binh đoàn 15 tuyển công nhân, chị quyết định vào Ia Grai xin làm công nhân Công ty 715. Một thập kỷ gắn bó với Tây Nguyên, với cây cao su, chị đã có cuộc sống ổn định. “Lúc đầu vào đây, tôi cũng sợ lắm, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Nhưng khi được mọi người động viên, hướng dẫn, tôi dần quen với công việc. Nhờ cây cao su mà tôi đã có một gia đình hạnh phúc, kinh tế phát triển. Tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với Tây Nguyên, với cây cao su”-chị Niệm tâm sự.

Theo Đại tá Khuất Bá Cao-Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15: Năng suất lao động của công nhân trong Binh đoàn tăng trên 7%/năm. Đặc biệt, năng suất lao động của công nhân người dân tộc thiểu số đã bằng công nhân người Kinh. Cũng từ thực tiễn lao động, sản xuất đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân, người lao động được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ công nhân của đơn vị luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, họ còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Công nhân của binh đoàn thu hoạch cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Công nhân của binh đoàn thu hoạch cao su. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tại lễ tôn vinh công nhân ưu tú giai đoạn 2017-2022, Binh đoàn 15 đã công bố quyết định của Bộ Quốc phòng công nhận 15 chiến sĩ thi đua toàn quân. Bên cạnh đó, Binh đoàn đã xét đặc cách 5 người làm công nhân quốc phòng.

 

Hơn 16 năm gắn bó với cây cao su trên vùng biên giới Đức Cơ, có lẽ chị Trịnh Thị Hương chưa bao giờ mơ tới có một ngày mình trở thành công nhân quốc phòng. Chị là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hóa. “Tôi làm công nhân tại Đội 12 (Công ty Cao su 75) được hơn 16 năm rồi. Với tôi, cây cao su cũng như người bạn. Cây cao su đã đem lại cho mình cuộc sống ấm no, vì vậy, mình phải biết lo lắng và chăm sóc cho nó”-chị Hương tâm sự. Với thành tích 8 năm liên tục là chiến sĩ thi đua, nhận nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp,  chị Hương vừa được đặc cách xét làm công nhân quốc phòng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Sỹ-Tư lệnh Binh đoàn 15-cho biết: 92 công nhân ưu tú là những bông hoa tươi thắm trong hơn 15 ngàn công nhân, người lao động của đơn vị. Những công nhân này đã cùng cán bộ, chỉ huy các đơn vị bám trụ trên miền biên viễn để cùng Binh đoàn xây dựng 271 thôn làng thuộc 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình ngày càng phát triển, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn đơn vị đóng quân.

 

 VĨNH HOÀNG

 

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.