Nữ tiến sĩ 'mê' nghiên cứu sinh vật lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ dữ liệu toàn cầu đầu tiên về tuyến trùng - nhóm sinh vật đa dạng và phong phú bậc nhất trên thế giới, vừa được tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Ánh Dương và các cộng sự công bố trên tạp chí khoa học Nature, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học mà còn góp phần dự đoán những biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tiến sĩ Ánh Dương đi thực địa mẫu tại Lạng Sơn - Ảnh H.QUỲNH
Tiến sĩ Ánh Dương đi thực địa mẫu tại Lạng Sơn - Ảnh H.QUỲNH



Dành 10 năm nghiên cứu

Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành tài nguyên môi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2006 nhưng Nguyễn Thị Ánh Dương lại bén duyên với ngành tuyến trùng học khi về công tác tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH-CN VN). Dương chia sẻ: “Sinh thái học phần lớn nghiên cứu và tập trung vào các phần “nhìn thấy” như thực vật, động vật cỡ lớn… mà thường bỏ qua sinh vật nhỏ bé không nhìn thấy bằng mắt thường sống trong đất, ví dụ như nhóm tuyến trùng. Một thế giới rộng lớn ẩn giấu ngay dưới chân chúng ta nhưng hầu như không được biết đến. Vì thế chúng tôi muốn đi sâu vào nghiên cứu giúp con người thay đổi sự hiểu biết về nhóm sinh vật đa dạng và phong phú bậc nhất trên thế giới này”.

Theo Ánh Dương, những nghiên cứu về tuyến trùng thực vật và tuyến trùng biển đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới, nhưng những nghiên cứu về nhóm tuyến trùng sống tự do trong đất vẫn còn rất hạn chế. Đây là một trong những nhóm sinh vật đóng vai trò quan trọng trong tất cả các mắt xích của mạng lưới thức ăn, góp phần luân chuyển carbon, chất dinh dưỡng, khoáng hóa trong đất. Tuyến trùng ăn vi khuẩn, nấm, thực vật và các sinh vật đất khác và thải ra các vật chất khoáng hóa, tham gia luân chuyển carbon trong đất. Hoạt động này giúp đất được cải thiện và tạo ra các vật liệu khoáng, carbon giúp cho cây phát triển.

 

"Các nhà khoa học trẻ VN nếu đam mê, hoài bão đều có khả năng đạt được kết quả nghiên cứu tiên tiến sánh ngang với các nước phát triển" - TS Nguyễn Thị Ánh Dương

Dành 10 năm nghiên cứu tuyến trùng, để hoàn thiện bộ dữ liệu toàn cầu đầu tiên về nhóm sinh vật đa dạng và phong phú bậc nhất trên thế giới, Ánh Dương đã triển khai nghiên cứu và thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tuyến trùng sống trong đất ở VN. Cô cho biết: “Tại VN, những khu vực mình lấy mẫu đều nằm sâu trong rừng quốc gia ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng. Mỗi chuyến đi thực địa kéo dài cả tuần lễ, mình là phụ nữ rất sợ rắn, rết, côn trùng, vi rút lạ… nhưng vẫn phải vượt qua để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, vất vả và mất nhiều thời gian nhất là phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm. Tuyến trùng rất bé, không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải soi chiếu dưới kính hiển vi, tách lọc, phân tích làm tiêu bản, kéo dài nhiều khi tới 6 - 7 tháng”
.
Lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học cho người trẻ

Ngoài lấy mẫu vật tại VN, Ánh Dương còn cộng tác với 70 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực tuyến trùng học ở 57 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới cùng nghiên cứu và xuất bản công trình. Trong nghiên cứu này có 6.759 mẫu đất trên khắp thế giới đại diện cho 73 vùng tiểu khí hậu đã được thu thập và phân tích để xác định tính đa dạng và chức năng của nhóm sinh vật nhỏ bé. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới; để được đăng bài, công trình phải đạt trình độ xuất sắc về khoa học và tính học thuật) tháng 7.2019. Ánh Dương cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên của Viện Hàn lâm KH-CN VN có công trình nghiên cứu được đăng trên Nature.

Nữ tiến sĩ 36 tuổi cho biết kết quả nghiên cứu về nhóm tuyến trùng sống tự do trong đất đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học để phát triển thế giới bền vững. Đặc biệt những ứng dụng của nhóm sinh vật này được đưa ra để dự đoán những biến đổi khí hậu toàn cầu. Ánh Dương chia sẻ: “Các loài tuyến trùng có kích thước nhỏ bé nhưng vai trò của chúng lại đặc biệt quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của hệ sinh thái đất. Nếu chúng ta muốn giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu thì cần cải thiện sự hiểu biết của mọi người về các sinh vật này ở cấp độ toàn cầu. Chúng tôi muốn giúp các nhà quản lý đất đai đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc chiến chống mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu bằng cách xác định các loại đất cần được phục hồi”.

Ngoài công trình bộ dữ liệu toàn cầu về tuyến trùng, trong hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Thị Ánh Dương và cộng sự đã công bố rất nhiều loài mới cho khoa học thế giới cũng như cho VN.

Năm 2017, Ánh Dương đã được T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao giải thưởng Quả cầu vàng. Trong thời gian tới, nữ tiến sĩ trẻ sẽ mở rộng nghiên cứu tuyến trùng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam để khám phá đa dạng sinh học vô cùng phong phú của VN và thấy sự khác biệt giữa các loài tuyến trùng.

Không chỉ muốn cống hiến cho sự phát triển khoa học, Ánh Dương còn mong muốn lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học trong giới trẻ. Chị bộc bạch: “Với mỗi nhà khoa học, có công trình đăng trên tạp chí Nature là niềm tự hào và ước mơ trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học trẻ VN nếu đam mê, hoài bão đều có khả năng đạt được kết quả nghiên cứu tiên tiến sánh ngang với các nước phát triển. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng theo đuổi khoa học cơ bản không chỉ đạt được những thành tựu nhất định mà còn có đủ điều kiện sống tốt với nghề”.

Thu Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.