Tạo môi trường lành mạnh cho khởi nghiệp sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các nước Đông Nam Á đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Riêng Việt Nam còn có sức hút riêng bởi có chế độ chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là quá trình đổi mới sáng tạo đa dạng và sâu rộng. Vấn đề là làm thế nào để các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lớn đặt trọn niềm tin mà hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp. Sau 3 năm, con số này đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 công ty. Giai đoạn 2017-2018, làn sóng khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ với 3.000 doanh nghiệp, hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm (tính đến cuối năm 2018), có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như: FPT, Viettel, Vingroup. Năm 2018, vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017. Môi trường kinh doanh Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã chuyển biến tích cực, thu hút ngày càng mạnh mẽ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đầu tuần này, nhiều nhà quản lý, nhà kinh tế nhận định, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, một thị trường năng động, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng vươn ra khu vực và thế giới, lẽ ra, quá trình đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam phải tương xứng với tiềm năng.
Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải khơi thông dòng vốn, khai thác dư địa đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam để đạt mục tiêu gần là đến cuối năm nay, thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Muốn làm được điều đó, trước hết phải có vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách phù hợp, nguồn tài chính từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư. Thứ hai là hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Thứ ba-cũng là yếu tố chính là vai trò của các trường đại học trong việc cung cấp nguồn ý tưởng và nhân lực khởi nghiệp chất lượng cao. Ngoài ra là thị trường cho khởi nghiệp với sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn. Một điều quan trọng nữa là văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, phải chấp nhận những người trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, tức là chấp nhận rủi ro để đi đến thành công.
Trên thực tế, từ năm 2016, với Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhận thấy sự quan tâm của Chính phủ với việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Cùng với đó là Đề án 1665 dành riêng cho cộng đồng start-up sinh viên, Đề án 1939 dành cho phụ nữ khởi nghiệp… Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tham mưu, triển khai các luật, văn bản hướng dẫn giải quyết, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Thế nhưng, để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Chính phủ cần tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Tất nhiên, nói khởi nghiệp thì trước hết vẫn là ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, niềm khát khao chinh phục của chính các doanh nhân, biết sống hết mình cho những ước mơ và kiên trì đạt được ước mơ của mình. Ngoài kiến thức chuyên môn đã học, cần lắm những bài học kinh nghiệm sau những va vấp trên thương trường, vốn ngoại ngữ và ý thức hội nhập quốc tế.
Doanh nhân-doanh nghiệp là bộ mặt của nền kinh tế. Chính phủ nhiệm kỳ này luôn nêu cao phương châm “Liêm chính-Hành động-Vì dân-Vì doanh nghiệp”. Từ Thủ tướng đến các Phó Thủ tướng đi đâu, làm gì cũng chỉ lo tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hết mức cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. “Vạn sự khởi đầu nan”, ông bà ta nói vậy. Biết chấp nhận những va vấp, những thất bại để đứng lên; dũng cảm xé rào để tìm cái mới trong khuôn khổ luật pháp mà tiến tới tương lai là bản lĩnh của người trẻ, doanh nhân trẻ.
Việc các quỹ đầu tư ngoại như Softbank Vision Fund, Temasek, Golden Gate cam kết với các Start-up Việt Nam hoặc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 3 năm tới tiếp tục đầu tư 10.000 tỷ đồng vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cho thấy, khởi nghiệp sáng tạo tại nước ta đang có nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển trong tương lai. Điều còn lại là cần ở Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sự cụ thể hóa các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phát triển những ngành kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
 NGUYỄN VÂN 

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.