Máy phun thuốc tự động của anh Phạm Văn Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù chưa từng qua trường lớp đào tạo chính quy nào nhưng anh Phạm Văn Bình (SN 1978, buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai) đã sáng chế chiếc máy phun thuốc tự động sử dụng năng lượng mặt trời có tính ứng dụng cao, giúp nông dân tăng năng suất lao động.
Anh Bình cho biết, trước đây, cứ mỗi lần thấy người dân phải mang trên mình bình phun thuốc cỏ, thuốc sâu từ 16 lít đến 25 lít và năm nào cũng có trường hợp bị ngộ độc từ việc phun thuốc, anh rất trăn trở. Họ vất vả, nặng nhọc là thế nhưng hiệu quả thu được vẫn chẳng được là bao. Chính vì vậy, anh quyết tâm làm một cái máy phun thuốc để giúp người dân vừa đỡ vất vả, vừa tăng hiệu quả sản xuất. “Năm 2013, tôi bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo một chiếc máy phun thuốc thân thiện với người nông dân. Sau hơn 3 tháng mày mò nghiên cứu với 10 lần chỉnh sửa, cuối cùng máy phun thuốc được gắn ở sau xe máy đã ra đời. Chiếc máy này nhanh chóng được nhiều nông dân mua về sử dụng. Năm 2017, tôi đưa chiếc máy phun thuốc tự động do mình sáng chế tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 8 và sản phẩm này đã đạt giải ba”-anh Bình kể.
Anh Bình khởi động dàn phun thuốc. Ảnh: N.S
Anh Bình khởi động dàn phun thuốc. Ảnh: N.S
Cũng theo anh Bình, chiếc máy phun thuốc được gắn vào sau xe máy do anh sáng chế có thể phun tại chỗ hoặc vừa chạy vừa phun. Hệ thống phun được gắn ở sau xe nên ít gây độc hại cho người sử dụng. Nông dân chỉ cần ngồi lên xe và điều khiển thì dàn phun bắt đầu hoạt động. Sử dụng máy này, mỗi người có thể phun được 5-7 ha/ngày. Trong khi đó, nếu sử dụng bình 16 lít thì phải 2-3 người mới phun được 1 ha/ngày. Với chiếc máy phun thuốc này, người sử dụng có thể tháo ráp rất dễ dàng. Bên cạnh đó, dàn phun của máy dài từ 2,5 m đến 5 m giúp di chuyển lên cao hoặc xuống thấp như ý muốn và có thể tự động gập lại khi gặp vật cản, phù hợp với địa hình đồi dốc.
Ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa: “Với óc sáng tạo và đôi tay khéo léo, anh Phạm Văn Bình đã tự sáng chế được máy phun thuốc tự động phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Máy phun thuốc do anh Bình sáng chế hiện nay đã có nhiều cải tiến, đem lại thuận tiện hơn cho người sử dụng. Đặc biệt, giá bán lại giảm so với trước đây. Chiếc máy đã mang lại lợi ích rất lớn cho bà con nông dân, hy vọng thời gian đến sẽ có nhiều người sử dụng”.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2019, anh Bình lại cho ra đời phiên bản hoàn thiện của máy phun thuốc tự động. Chiếc máy mới này có nhiều chức năng hơn, đặc biệt là có thêm bộ phận sử dụng năng lượng mặt trời. Anh Bình cho biết, với dàn khung được cải tiến, người sử dụng có thể dễ dàng lắp đặt chiếc máy mới trên tất cả các loại xe máy mà không bị hạn chế như phiên bản trước. Máy có hệ thống giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Bên cạnh đó, chiếc máy này còn rất thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu khí thải và giảm tiếng ồn của động cơ. “Kết cấu của máy gồm: một bộ khung sắt, một số béc phun gắn ở hai bên xe được lắp các can đựng thuốc. Động cơ của máy chạy bằng điện 12V, có thể tận dụng được điện của ắc quy xe máy, người dùng không phải tốn tiền mua ắc quy nữa. Ngoài ra, tôi còn trang bị thêm một tấm pin năng lượng mặt trời ở phía trên dàn khung nên người dùng không cần nạp điện cho bình ắc quy sau khi phun xong”-anh Bình nói.
Nhờ loại bỏ nhiều chi tiết không cần thiết nên chiếc máy phun thuốc tự động do anh Bình sáng chế có giá rẻ hơn trước rất nhiều. Hiện chỉ cần từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng là người dân đã mua được một chiếc máy phun thuốc tự động loại này, tùy vào hệ thống béc phun. Máy có thể sử dụng để phun thuốc cho nhiều loại cây trồng như: mì, mía, thuốc lá, điều… Mỗi lần phun được khoảng 60 lít và dự kiến mỗi ngày có thể phun được 6-8 ha. Hiện những chiếc máy phun thuốc phiên bản mới của anh Bình đã có nhiều khách hàng ở các xã: Phú Cần, Ia Rmok, Chư Drăng, Chư Rcăm và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) đặt mua.
Là người đặt mua chiếc máy phun thuốc do anh Bình sáng chế, ông Bùi Đình Nghiệp (thôn Quỳnh 2, xã Chư Rcăm) cho biết: “Chiếc máy phun thuốc này có ưu điểm là hệ thống bơm rất nhanh và đều, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, tiện lợi hơn những máy đang bán trên thị trường, giá lại rẻ. Tôi thấy anh Bình sáng chế ra cái máy này giúp bà con tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức khi phun thuốc”. Còn ông Lê Xuân Hưng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu-cho hay: “Tôi đã được xem máy phun thuốc do anh Bình sáng chế. Tôi thấy chiếc máy này hiệu quả, mức độ phun thuốc được điều chỉnh rất phù hợp với từng loại cây trồng, lại tiết kiệm được sức lao động của người dân. Tới đây, tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân trong xã nếu có nhu cầu thì có thể mua máy của anh Bình về dùng”.
Ngọc Sang - Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.