Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018":Biến cơ hội thành hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp năm 2018” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức vừa khép lại. 35 tác giả, nhóm tác giả dự thi với nhiều ý tưởng, dự án mới lạ, khả thi đã chứng tỏ đam mê khởi nghiệp của tuổi trẻ. Từ sân chơi được tổ chức lần thứ 2 này, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng biến cơ hội thành hiện thực.
Những ý tưởng hay, độc đáo
Đạt giải cao nhất cuộc thi, mô hình “Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và nhân rộng các giống lan rừng quý hiếm” của anh Phạm Thăng Bằng (giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) được đánh giá là xứng đáng vì ý nghĩa thiết thực mà nó đem lại.
Anh Bằng là người có kinh nghiệm gần 10 năm trồng và chăm sóc hoa lan. Ngoài mô hình hiện tại ở TP. Pleiku, anh đã xây dựng được 4 nhà vườn mẫu tại các huyện Kbang, Phú Thiện và các tỉnh Đồng Nai, Ninh Bình để tìm hiểu và điều chỉnh quá trình sinh trưởng của phong lan theo mong muốn (khí hậu nóng thúc đẩy cây sinh trưởng và phát triển, khí hậu lạnh giúp cây săn chắc và cho hoa đẹp). Chính vì vậy, anh Bằng hiểu rất rõ đặc tính của từng loại lan, đặc biệt là các giống lan rừng quý hiếm.
  Gian hàng trưng bày của anh Phạm Thăng Bằng (ngoài cùng bên trái)-tác giả ý tưởng “Mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và nhân rộng các giống lan rừng quý hiếm”. Ảnh: P.L
Gian hàng trưng bày của anh Phạm Thăng Bằng (ngoài cùng bên trái)-tác giả ý tưởng “Mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và nhân rộng các giống lan rừng quý hiếm”. Ảnh: P.L
Nắm được thị hiếu của khách hàng đang chuyển dần từ lan công nghiệp sang chơi lan rừng, với mong muốn giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch, anh Bằng đã triển khai ý tưởng phát triển du lịch ngay tại nhà vườn. “Vườn lan của tôi có lợi thế là đang sở hữu rất nhiều giống quý hiếm, vì vậy, việc phát triển du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội và mang lại lợi nhuận trong tương lai, đồng thời nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo tồn lan quý”-anh chia sẻ.
Trong khi đó, với mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của cư dân bản địa, tạo thêm việc làm cho bà con khi tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, nhất là trong lúc nông nhàn, anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku đã xây dựng dự án “Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm gắn với du lịch cộng đồng”. Dự án đã xuất sắc đạt giải nhì của cuộc thi.
Dự án này được anh Nam triển khai thực hiện từ tháng 3-2018, đã hoàn thành gần 2/3 hạng mục và đang hoạt động thử nghiệm. Dự kiến, dự án này sẽ được chính thức đưa vào kinh doanh từ tháng 12-2019. Điểm độc đáo của dự án là sử dụng các thùng container để xây dựng mô hình homestay. “Mô hình homestay container được thiết kế khá linh hoạt, có thể di chuyển để thay đổi không gian cho mới mẻ. Từ đây, chúng tôi nghĩ đến việc kết nối phục vụ các sự kiện văn hóa du lịch được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, khách có thể lưu trú tại nơi tổ chức sự kiện mà không phải đi xa”-anh Nam cho biết.
Đông đảo học sinh, sinh viên tham gia
 
Bà Võ Thị Tuyết Hà-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, thành viên Ban giám khảo: Năm 2017 chỉ có 13 ý tưởng, nhưng năm nay có đến 35 ý tưởng, dự án tham gia dự thi đã cho thấy hiệu ứng tích cực mà cuộc thi đem lại. Trong số đó có nhiều dự án mới lạ, có tính khả thi cao. Với dự án giành giải cao nhất tại cuộc thi, Hội Doanh nhân trẻ sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vốn nếu tác giả cần.

Trong tổng số 35 ý tưởng dự thi thì có đến 22 ý tưởng là của học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh. Điều này chứng tỏ hiệu ứng và sức hút của cuộc thi.
Trong số đó, dự án “Sản xuất và kinh doanh son dưỡng môi có thành phần tự nhiên” của tác giả Hoàng Thị Huyền Trang (học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) đã gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo về tính khả thi. Với mong muốn tạo ra sản phẩm làm đẹp an toàn cho phái nữ, Trang đã tìm tòi để sản xuất ra son dưỡng môi từ những nguyên liệu như: dầu dừa, dầu gấc, trà xanh, dầu olive, sáp ong… Sản phẩm đã được Trang sản xuất thành công, kiểm nghiệm lần 1 vào tháng 12-2017, dự kiến sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký kinh doanh vào tháng 1-2019. Đây là một trong 5 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi.
Tại cuộc thi, WCYD (What Can You Do), một dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ giải trí của em Phan Thị Quỳnh Hương (lớp 12C12, Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku) cũng được đánh giá khá cao. Bước khởi đầu của dự án là một lớp học vẽ giải trí nhằm truyền cảm hứng tới những người chưa có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật. Quỳnh Hương tâm sự: “Em đang trau dồi kiến thức, kỹ năng để dự thi đại học khối V, sau đó sẽ mở một lớp học để mọi người có thể tham gia giải trí, tìm sự khác lạ. Em rất vui vì khi đến với cuộc thi, em đã được Ban giám khảo đã chỉ ra những điểm tích cực và hạn chế của dự án để có thể triển khai một cách thực tế hơn”.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.