"Nuôi heo đất vì bạn nghèo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là tên của phong trào được Liên đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa, Gia Lai) triển khai từ nhiều năm nay. Hoạt động này đã góp phần giáo dục đội viên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần tiết kiệm, biết san sẻ yêu thương để tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Liên đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa có 361 đội viên, thiếu niên, nhi đồng, trong đó có 155 em là dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu dụng cụ học tập. Để tiếp sức các em đến trường, Liên đội nhà trường đã triển khai phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nghèo” từ năm học 2016-2017. Theo đó, ngay từ đầu năm học, mỗi chi đội được Liên đội cấp một con heo đất. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phổ biến hình thức nuôi heo đất tùy theo điều kiện của mỗi chi đội, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của các em.
  Những chú heo tiết kiệm của chi đội 4B. Ảnh: P.L
Những chú heo tiết kiệm của chi đội 4B. Ảnh: P.L
Với ý nghĩa ấy, mỗi con heo đất ở các chi đội luôn được xem là “bảo bối” và các đội viên, thiếu niên, nhi đồng đều hăng hái nuôi cho “mau lớn”. “Thức ăn” cho heo là tiền tiết kiệm từ các khoản ăn sáng, ăn quà vặt hoặc từ tiền thu gom, bán phế liệu của các em. Nhiều chi đội đã triển khai rất tốt phong trào này, có chi đội còn mua thêm những con heo đất khác để tiết kiệm. Cô Đoàn Thị Thanh Thuyện-giáo viên chủ nhiệm lớp 4B-cho biết: “Tôi chia lớp ra thành 3 tổ để các em thi đua với nhau, mỗi sáng lên lớp tôi đều hỏi: “Hôm nay có bạn nào cho heo ăn không nhỉ?”, em nào có tiền thì đem bỏ vào con heo của tổ mình. Thỉnh thoảng, tôi cũng bỏ tiền túi để cùng nuôi những con heo này nhằm cổ vũ các em. Hiểu được việc làm ý nghĩa này nên các em tham gia rất tích cực”.
Heo đất được giáo viên chủ nhiệm cất giữ rất cẩn thận. Mỗi buổi sáng, heo được đặt trên bàn giáo viên để học sinh cho “ăn”. Có em bỏ heo 1.000 đồng, em nào có nhiều hơn thì bỏ 4.000-5.000 đồng. Không ai bảo ai, các em đều tự giác nuôi heo bằng khoản tiền tiết kiệm của mình. Em Huỳnh Tường Bảo Trân (lớp 4), một trong những đội viên tích cực hưởng ứng phong trào tiết kiệm nuôi heo đất, chia sẻ: “Khi bố mẹ cho tiền tiêu vặt, em thường dùng để mua thêm dụng cụ học tập, tiền thừa em để dành nuôi heo. Trung bình mỗi tuần em bỏ heo 2 lần. Bố mẹ em cũng biết đến phong trào này nên khuyến khích em tham gia”.
Mỗi năm, Liên đội tổ chức 2 đợt “mổ heo”, thường là vào cuối học kỳ. Số tiền tiết kiệm được giáo viên chủ nhiệm tổng kết và báo cáo với nhà trường. Một nửa sẽ nộp vào nguồn quỹ của Liên đội để mua áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập tặng các đội viên, thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền còn lại sẽ được chi đội giữ để tổ chức liên hoan cuối mỗi học kỳ hoặc mua sách vở tặng cho tất cả thành viên. Là học sinh bị bệnh tim bẩm sinh, nhiều lần được nhận những món quà trích từ phong trào nuôi heo đất, em Phạm Thị Hải Bình (lớp 2A) xúc động cho biết: “Em rất vui vì nhận được quà từ Liên đội, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, bạn bè”.
Theo thầy Nguyễn Văn Duy Tân-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa, để phong trào nuôi heo đất đạt hiệu quả, Liên đội thường xuyên tuyên truyền cho các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng các chi đội có heo “béo” nhất và những em tham gia tích cực phong trào vào cuối học kỳ. Trung bình mỗi năm học, số tiền nuôi heo đất do Liên đội phát động khoảng gần 5 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng đã giúp các em biết tiết kiệm, biết chia sẻ yêu thương và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. “Vì ý nghĩa thiết thực mà phong trào mang lại, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới”-thầy Tân cho biết.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.