Trao yêu thương cho học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng tình yêu thương, các thầy-cô giáo ở Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê, Gia Lai) luôn tìm cách giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những suất học bổng được trao, sự đỡ đầu của các thầy cô đã tạo động lực để các em gắn bó hơn với “ngôi nhà thứ 2”.
  Tặng học bổng cho các em học sinh tại lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: P.L
Tặng học bổng cho các em học sinh tại lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: P.L
Cũng như các trường khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Trần Cao Vân không tránh khỏi tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng mà nguyên nhân chính là do hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh dân tộc thiểu số. Với mong muốn giúp đỡ các em tiếp tục đến trường, thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng nhà trường-đã đề xuất ý tưởng “Mỗi giáo viên tham gia nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Mặc dù cuộc sống của nhiều cán bộ, giáo viên còn chật vật nhưng ai nấy đều tán thành và tình nguyện đóng góp tùy theo điều kiện. Hoạt động này đã được nhà trường duy trì trong suốt 2 năm qua (từ thời điểm trường được thành lập). “Ngay từ đầu năm học 2018-2019, Ban Giám hiệu đã đề nghị các giáo viên nắm danh sách những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nhận đỡ đầu. Các giáo viên có thể hỗ trợ vật chất tùy theo khả năng của mình và nhu cầu của từng em. Quan trọng nhất là cổ vũ, động viên tinh thần để các em tự tin đến lớp”-thầy Bùi Quang Vinh cho biết.
Em Siu Hinh-học sinh lớp 12A5: “Em rất vui khi được thầy Hiệu trưởng nhận đỡ đầu, các thầy cô cũng luôn động viên em phải đến trường đều đặn thì mới có tương lai, có cơ hội thoát nghèo. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng của các thầy cô”.

Trường hợp của em Siu Hinh (lớp 12A5) là một ví dụ. Bố Siu Hinh bỏ nhà đi khi em còn rất nhỏ, mẹ bị tâm thần, em gái đã bỏ học đi chăn bò thuê. Cả nhà Siu Hinh phải sống trong căn nhà nhỏ dột nát, chật chội. Để có tiền lo cho gia đình, Siu Hinh một buổi đến trường, một buổi đi làm cỏ hoặc hái cà phê thuê. Vất vả là vậy nhưng cậu học trò Jrai này vẫn rất ham học, luôn cố gắng đến trường đều đặn. Động lực của em chính là sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy-cô giáo ở trường. Trong suốt 2 năm học vừa qua, thầy Vinh thường xuyên hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho Hinh. Năm học này, nhà trường tặng em một cây đèn sạc điện để em học tập vào buổi tối, ngoài ra còn tặng đồng phục, sách vở... Hinh còn được xe của trường đưa đón miễn phí.
Em Rơ Mah Beh (lớp 12A3) cũng là học sinh được các thầy-cô giáo của trường nhận đỡ đầu trong năm học mới này. Gia đình của Beh đặc biệt khó khăn, trong 6 anh chị em thì chỉ mình em được đến trường, những người còn lại phải đi làm thuê kiếm sống. Biết được hoàn cảnh của Beh, các thầy cô đã trực tiếp đến nhà vận động bố mẹ em, đồng thời hỗ trợ em đồ dùng học tập, đồng phục… để đến trường. Từ đó, cô học trò nhỏ này đã có thành tích học tập khá tốt, nhiều năm là học sinh khá giỏi của trường, nhiều lần được tuyên dương trước cờ và được hỗ trợ các suất học bổng. “Nhờ các thầy-cô giáo đến vận động bố mẹ mà em được tiếp tục đến trường. Thầy cô còn tặng quà, chỉ bảo em rất nhiều kỹ năng sống. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để thi đậu kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới”-Rơ Mah Beh tâm sự.
Hiện tại, giáo viên nhà trường đang nhận đỡ đầu cho 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bên cạnh đó, các thầy-cô giáo còn tự nguyện góp tiền xây dựng quỹ “Nâng cánh ước mơ”. Với nguồn quỹ này, 5 học sinh có thành tích học tập tốt nhất trong tháng sẽ được tuyên dương trong buổi chào cờ đầu tuần; đồng thời, được trao học bổng để có thêm động lực học tập. Ngoài ra, trước khi năm học 2018-2019 bắt đầu, nhà trường đã gửi thư ngỏ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Nhiều đơn vị thấy được hoạt động ý nghĩa của trường nên đã tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dành để hỗ trợ 20 học sinh (5 triệu đồng/em), chia đều cho 9 tháng học tập.
Chính nhờ sự quan tâm của thầy-cô giáo dành cho học sinh trên nên nhà trường luôn duy trì chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt trên 98%. “Sự hỗ trợ của các thầy-cô giáo chung quy là mong muốn các em học sinh được học tập để thực hiện những mơ ước tương lai. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động giúp đỡ, nhận đỡ đầu thêm nhiều em học sinh khó khăn”-cô Vũ Thị Mỹ Hằng-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Trần Cao Vân-khẳng định.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI thành công tốt đẹp

(GLO)- Ngày 15-4, tại Hội trường 20-10 (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Đak Đoa lần thứ VI (nhiệm kỳ 2024-2029). Đây là đơn vị được Hội LHTN Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện.
Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.