Đại úy Nguyễn Đăng Duẩn hết lòng vì nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm gắn bó với xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai), Đại úy Nguyễn Đăng Duẩn-nhân viên vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Púch luôn hết lòng vì công việc, coi người dân nơi đây như ruột thịt. Vì vậy, anh được người dân hết mực tin yêu, coi như con cái trong nhà.
Năm 2000, Nguyễn Đăng Duẩn tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng 2 và được phân công về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận. Sau 8 năm gắn bó với mảnh đất “biển xanh cát trắng”, anh được điều động lên Gia Lai nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ia Púch. Chia sẻ về những ngày đầu ở đơn vị mới, Đại úy Duẩn bộc bạch: “Mọi thứ đều lạ lẫm! Cuộc sống của người dân khi đó còn nhiều khó khăn, một số tập tục lạc hậu vẫn còn; việc tổ chức ma chay, hiếu, hỷ có khi kéo dài cả tuần”.
  Đại úy Nguyễn Đăng Duẩn hướng dẫn các em nhỏ học tập. Ảnh: Phương Dung
Đại úy Nguyễn Đăng Duẩn hướng dẫn các em nhỏ học tập. Ảnh: Phương Dung
Với trách nhiệm của một người lính, anh mong muốn được đóng góp một phần công sức để giúp người dân biên giới hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên phát triển kinh tế; từ bỏ các hủ tục đang đè nặng cuộc sống. Để có thể làm được những việc đó, anh đăng ký tham gia các lớp học tiếng Jrai do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng tổ chức. Đồng thời, anh học thêm từ các đồng đội và người dân trong làng khi gặp gỡ, tiếp xúc. Tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi nên chỉ trong một thời gian ngắn, Đại úy Duẩn đã có thể “nghe dân nói, nói dân hiểu”! 

Thượng tá Đỗ Thế Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Púch: “Đại úy Nguyễn Đăng Duẩn là người rất chịu khó học hỏi và lăn lộn, bám nắm cơ sở, tích cực giúp người dân nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới... Với người dân nói chung và đồng chí, đồng đội nói riêng, Đại úy Duẩn luôn gần gũi, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ nên mọi người luôn tin tưởng và yêu quý”.

Nhờ đọc thông, viết thạo tiếng địa phương kết hợp với thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (“Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách” và “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương”) nên Đại úy Duẩn đã từng bước giúp người dân nắm vững, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhắc đến Đại úy Duẩn, già làng Chư Kó-ông Rơ Mah Tiến phấn khởi: “Bộ đội Duẩn nhiệt tình lắm, không ngại việc khó, việc khổ nên bà con ai cũng yêu quý! Mỗi khi trong làng có việc, dù ban ngày hay ban đêm, mình gọi điện Duẩn đều có mặt. Duẩn còn lên tận rẫy để vận động các gia đình cho con đi học, không cho con lấy chồng, lấy vợ sớm; kiên trì thuyết phục một số thanh niên thường xuyên say xỉn, lười lao động...”. Cũng theo già làng Rơ Mah Tiến, nhờ có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch nói chung, Đại úy Duẩn nói riêng thường xuyên gần gũi, động viên nên người dân đã quan tâm nhiều đến chuyện học của con em mình, trong làng hiện có vài cháu đang theo học các trường cao đẳng, đại học; bà con cũng tập trung phát triển cây mì, điều, cà phê, lúa nước và nâng cao tinh thần cảnh giác... Đặc biệt, cả 145 hộ dân trong làng đều đã ký kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã biên giới Ia Púch, Đại úy Duẩn được coi như người anh, người chú trong gia đình. Nhớ lại trường hợp em Rơ Mah Nel (làng Brang), Đại úy Duẩn cứ mãi trăn trở. Bởi lẽ, với sự giúp sức của đơn vị (hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng), Nel đã vượt qua khó khăn, nỗ lực đến trường và hoàn thành xong bậc THCS. Nhưng bước vào năm đầu tiên của bậc học THPT, Nel đã nghỉ học vì lý do trường xa nhà, không phụ giúp được các anh chị... Năm học này, đơn vị tiếp tục nhận “Nâng bước em đến trường” 2 địa chỉ là: Rơ Mah Hân (học sinh lớp 4) và Rơ Mah Diệu (học sinh lớp 8). Đây là nhiệm vụ chung của Đội Công tác Vận động quần chúng song với trách nhiệm là cán bộ phụ trách làng, hàng ngày, anh đều sắp xếp thời gian đến từng nhà động viên các cháu. Nhiều hôm, gia đình bận việc hoặc ở lại nương rẫy không về, anh nhận luôn phần việc đưa, đón các cháu đến trường...
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ Chỉ huy Đội ở huyện Chư Prông

(GLO)- Ngày 23-3, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Đội huyện Chư Prông phối hợp với Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai tập huấn các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho 170 cán bộ Chỉ huy Đội và cán bộ phụ trách Đội ở huyện Chư Prông năm học 2023-2024.