Kình ngư... không chân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù bị mất 2 chân sau vụ tai nạn thương tâm, nhưng bằng nghị lực và ý chí không đầu hàng nghịch cảnh Trần Đình Bình đã trở thành vận động viên khuyết tật đạt nhiều thành tích cao.

Sau 6 năm bén duyên, trở thành VĐV bơi lội khuyết tật, anh Bình (28 tuổi, ngụ thôn Đồng Xuân, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã mang vinh quang về cho tỉnh nhà 14 huy chương các nội dung bơi tự do ở giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Trong đó, có 2 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Ẩn sau ánh hào quang ấy là cả một câu chuyện dài về tuổi thơ dữ dội mà nếu không có ý chí, quyết tâm thì sẽ không có một kình ngư khuyết tật tài năng như bây giờ.

 

Anh Bình giành được nhiều huy chương tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc.
Anh Bình giành được nhiều huy chương tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc.

Sau tiếng bom nổ

Tuổi thơ nghịch ngợm đã khiến Bình vĩnh viễn mất 2 chân sau tiếng bom nổ chát chúa. “Thời điểm gần tết năm 1996, lúc đó thằng Bình cùng với 2 người bạn trong xóm lên cánh rừng gần nhà chăn bò như mọi ngày. Hôm đó, chúng nó nhặt được một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh rồi ném vào tảng đá. Quả bom phát nổ khiến 2 bạn nó tử vong, thằng Bình bị thương nặng. Tôi chạy lên hiện trường, nhìn nó nằm bất tỉnh mà rụng rời chân tay”, ông Trần Đình Hậu, bố anh Bình, nhớ lại.

Bình được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị nát 2 chân, nhiều vết thương do mảnh đạn cứa trên người nham nhở. May mắn, các bác sĩ đã cứu Bình thoát khỏi cửa tử thần, nhưng 2 chân phải cắt cụt. Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Hậu đã dốc hết gia tài để chữa trị cho con trai, nên việc mua cho Bình đôi chân giả là quá xa vời.

Sau 8 năm làm bạn với chiếc xe lăn, quanh quẩn trong ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng ở thôn Đồng Xuân, năm 2004, Bình may mắn được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tặng đôi chân giả. Bằng nghị lực, chỉ 1 tháng sau đó, Bình đã tự đứng lên và đi lại được trên đôi chân giả này.

Bơi đến thành công

Có đôi chân, Bình xác định phải làm một việc gì đó để tự lập, nuôi sống bản thân sau này và trả “món nợ” cho bố mẹ. Trong năm 2004, anh theo học nghề sửa chữa máy tính và đánh đàn organ ở Trung tâm giới thiệu việc làm người khuyết tật tỉnh Hà Tĩnh. Rời quê xuống thành phố học tập, Bình luôn quyết tâm hết mình để có một tay nghề giỏi sau khi ra trường. Trong một lần cùng các bạn về nhà thầy giáo chơi, người thầy đã phát hiện tài năng của Bình khi thấy anh cùng bạn bơi dưới sông.

Theo anh Bình, lần đầu được huấn luyện viên dạy các kỹ thuật bơi chuyên nghiệp, anh gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn nhất là làm sao dùng lực tay đẩy người đi thật nhanh nhưng đúng luật. Với sự chỉ dạy tận tình của huấn luyện viên, anh nhanh chóng thuần thục các động tác kỹ thuật trên đường đua và vượt qua nỗi mặc cảm của bản thân.

Và rồi, anh Bình đã chinh phục được môn thể thao này. Đáng nể hơn là sau ngày tháng kiên trì tập luyện, năm 2011, anh chính thức trở thành VĐV bơi của tỉnh Hà Tĩnh tham gia các hội thi thể thao toàn quốc. Đặc biệt, tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 18 năm 2017, anh xuất sắc giành 2 huy chương vàng ở nội dung bơi tự do 50 m và 100 mét nam.

Hạnh phúc mỉm cười

Năm 2011, trong lần tham gia giải đấu người khuyết tật ở TP.HCM, anh Bình đã rung động trước một VĐV nữ cùng cảnh ngộ là chị Thái Thị Nhung (23 tuổi, quê huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Sau 6 năm yêu nhau, đám cưới của 2 VĐV bơi lội khuyết tật được tổ chức trong sự vui mừng của bạn bè và người thân. Và càng hạnh phúc hơn, khi chị Nhung đang mang thai đứa con chờ ngày cất tiếng khóc chào đời.

Được chính quyền địa phương giúp đỡ, vợ chồng anh Bình giờ đều có việc làm ở bưu điện xã với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhờ học đàn organ từ trước, thời gian rảnh, anh tranh thủ phục vụ đám cưới quanh vùng để có thêm thu nhập. “Cuộc đời không cho mình nhiều thứ, nhưng cũng không lấy đi của mình tất cả. Tôi tin mình có thể làm được nhiều thứ mà nhiều người không tưởng và luôn hy vọng vào cuộc sống”, anh Bình chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng, anh Bình được bình chọn là một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu của Hà Tĩnh.

Phạm Đức/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Thư chúc mừng 83 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Thư chúc mừng 83 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

(GLO)- Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2024), chị Nguyễn Phạm Duy Trang-Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư gửi thư chúc mừng tới các đồng chí cán bộ phụ trách Đội các thời kỳ và các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Ươm những “mầm xanh”

Ươm những “mầm xanh”

(GLO)- Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh, công tác Đội và phong trào thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều phong trào hay, mô hình sáng tạo được nhân rộng, góp phần ươm những “mầm xanh” tương lai.
Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

(GLO)- Thông tin từ Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai, 227 tổ chức Hội cấp cơ sở và tương đương thuộc 18 Hội LHTN Việt Nam huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029, vượt tiến độ đề ra theo dự kiến hoàn thành trước 31-5-2024.
Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

(GLO)- Dám nghĩ, dám làm là những điều chúng tôi cảm nhận được về anh Đỗ Văn Chuyên (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự siêng năng, chịu khó, anh đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất do ông cha để lại.