Giấc mơ bóng đá của cậu bé bán hàng rong 13 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huỳnh Minh Hiền ngồi trên khán đài, tay ôm khư khư chiếc rổ đựng vài chiếc đài sen, bịch cóc ổi, sơ ri, mắt nhìn chăm chú xuống sân, nơi mà những cầu thủ đang mải mê với trái bóng.

Những ngày diễn ra giải bóng đá U.21 quốc tế ở Cần Thơ, chúng tôi đều nhận ra cậu bé nhỏ thó, da đen nhẻm, mặc chiếc áo phông lẫn trong rất đông cổ động viên của miền Tây.

 

Huỳnh Minh Hiền vừa bán hàng rong vừa xem bóng đá.
Huỳnh Minh Hiền vừa bán hàng rong vừa xem bóng đá.

Đó là Huỳnh Minh Hiền, năm nay 13 tuổi nhưng chỉ cao 1,26 m, cậu bé đang là học sinh lớp 6 Trường THCS Thới Bình. Ngoài giờ học, Huỳnh Minh Hiền mang đồ đi bán phụ giúp cha mẹ. Hiền đi bộ, cậu bán vòng vòng sân vận động và nhiều con đường trong thành phố.

“Cháu ngồi xem bóng đá như thế này, mẹ biết có la không?”, chúng tôi hỏi Hiền khi cậu bé “quên” mất nhiệm vụ bán hàng của mình mà mải mê với những cầu thủ trên sân. “Cháu cũng không biết nữa”, Hiền đáp, mắt vẫn không rời các cầu thủ. “Nếu chú quay phim cháu thế này, mẹ cháu đọc báo thấy cháu, thì mẹ có la không?”. Lần này Hiền hơi liếc liếc nhìn chúng tôi, cậu bé cười, “Cháu cũng không biết ạ”.

Huỳnh Minh Hiền là một trong những khán giả nhí đặc biệt của giải bóng đá U.21 quốc tế do Báo Thanh Niên tổ chức đang diễn ra. Vì mê xem môn thể thao vua, những ngày có trận bóng trên sân Cần Thơ, mỗi ngày bán hàng của Hiền sẽ bị bớt đi khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Chị Trần Kim Ngọc, 32 tuổi, mẹ của Huỳnh Minh Hiền cũng có nghề chính là bán hàng rong vài ba trái cây lặt vặt. Nếu Hiền bán hàng trong sân vận động, chị Ngọc sẽ bán ở ngoài phố.

Chia sẻ với chúng tôi, người phụ nữ miền Tây thật thà: “Hiền nó mê đá banh lắm trời ơi. Nó đá banh với các anh trong xóm, rồi thích xem ở đâu có đá banh. Hiền nói thích làm cầu thủ”.

Chị Trần Kim Ngọc cho biết, Hiền là học sinh khá ở trường Thới Bình. Dưới Hiền, còn có một em nữa, đang là học sinh lớp 5. Chị Kim Ngọc chỉ có nghề bán dạo, chồng chị đang làm thợ hồ ở Cần Thơ. Gia đình không mấy dư dả, nên Hiền tự nguyện đi bán hàng với mẹ, cậu bé rất vui vẻ với công việc hằng ngày của mình, chẳng chút gì kêu ca.

“Mỗi ngày cả tôi và Hiền bán được khoảng 100.000 đồng, chồng tôi chắc mỗi ngày được 200.000 đồng, thu nhập cả nhà có thế thôi. Nhà thì không phải đi thuê”, người phụ nữ cười hiền hậu. Chị còn chỉ cho chúng tôi ngôi nhà mình đang ở trên đường Trần Phú, nó không to lớn, nhưng hạnh phúc với những nụ cười của những đứa nhỏ, biết yêu thương và chia sẻ những nhọc nhằn của cha mẹ.

Hiền muốn trở thành cầu thủ, nhưng chưa biết sẽ làm sao để giấc mơ thành hiện thực. Chỉ biết, mỗi khi rảnh, cậu và các anh trong xóm sẽ luyện tập. Cậu cũng mong chờ mỗi khi có trận bóng nào diễn ra ở sân Cần Thơ, để được mang chiếc rổ đựng vài món đồ của mình qua đó, vừa bán được hàng, vừa được thỏa giấc mơ sống cùng bóng đá.

“Bây giờ, con chỉ ước học thật giỏi, để sau này lớn lên có thể kiếm tiền nuôi ba mẹ”, cậu nhóc 13 tuổi sớm bươn chải có giấc mơ thực tế như thế, để khiến đôi vai của cha mẹ bớt nặng hơn.

Chúng tôi ra về, vẫn nhớ mãi đôi mắt rạng ngời của Hiền khi nhìn trái bóng. Một ngày trong tôi nhẹ nhàng hơn khi gặp em, cậu bé hàng rong và tình yêu trong trẻo dành cho bóng đá...

Trần Tuấn Anh - Thúy Hằng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

(GLO)- Thông tin từ Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai, 227 tổ chức Hội cấp cơ sở và tương đương thuộc 18 Hội LHTN Việt Nam huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029, vượt tiến độ đề ra theo dự kiến hoàn thành trước 31-5-2024.
Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

(GLO)- Dám nghĩ, dám làm là những điều chúng tôi cảm nhận được về anh Đỗ Văn Chuyên (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự siêng năng, chịu khó, anh đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất do ông cha để lại.