Vật liệu xây dựng trong "vòng xoáy" tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù giá sắt thép đã “hạ nhiệt” nhưng các loại vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn trong “vòng xoáy” với đà tăng diễn ra nhiều đợt từ đầu năm đến nay. Giá tăng mạnh khiến các công trình xây dựng bị đội vốn lên cao, có thể phải điều chỉnh dự toán một số dự án.

Giá VLXD liên tục tăng cao

Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá xi măng đã tăng cao từ lần điều chỉnh ngày 1-7, dao động trong khoảng 30-70 ngàn đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Nếu trước đây, giá xi măng Nghi Sơn chỉ 1,6 triệu đồng/tấn thì nay lên gần 2 triệu đồng/tấn. Tương tự, cát xây dựng có giá 250-260 ngàn đồng/m3 (tăng khoảng 20 ngàn đồng/m3 so với tháng trước); gạch tuynel 6 lỗ giá 2.200-2.300 đồng/viên (tăng khoảng 200 đồng/viên)… Hàng nội thất như: gạch ốp lát cũng tăng 10-15 ngàn đồng/thùng; sơn nước tăng 20-30 ngàn đồng/thùng lớn; lavabo, bồn rửa chén, vòi, ống có giá tăng 3-5%; vật tư điện nước tăng 5-10%… Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, giá thép đã quay đầu giảm mạnh sau một thời gian dài giá leo thang, hiện còn 17-18 ngàn đồng/kg, trong khi trước đó, giá trên 20 ngàn đồng/kg, có lúc đỉnh điểm lên đến 22 ngàn đồng/kg.

Ông Mai Thanh Phong-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Thiên Phúc-cho biết: Liên tục trong 2 năm qua, giá VLXD tăng rất mạnh. Riêng từ đầu năm đến nay, giá xi măng đã 3 lần điều chỉnh, mỗi lần tăng 30-70 ngàn đồng/tấn. Các loại vật liệu như: cát, đá, gạch cũng tăng khá mạnh, cộng với giá xăng dầu tăng cao nên đẩy phí vận chuyển tăng theo. “Năm nay, Công ty cung cấp vật liệu cho công trình nhà dân ít, chủ yếu là các công trình đường giao thông, trang trại chăn nuôi heo. Việc giá VLXD tăng liên tục trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng. Do vậy, chúng tôi phải giảm bớt lợi nhuận để bù đắp các chi phí tăng thêm”-ông Phong nói.

  Nhiều công trình bị ảnh hưởng tiến độ do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Hà Duy
Nhiều công trình bị ảnh hưởng tiến độ do giá vật liệu xây dựng tăng cao. Ảnh: Hà Duy



Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo-nhân viên Công ty TNHH một thành viên Sơn Nguyệt thì cho hay: “Đến nay, hầu hết các loại vật liệu hoàn thiện được nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá trên 10% so với đầu năm. Giá tăng nên sức mua trên thị trường có phần giảm sút khiến lợi nhuận kinh doanh sụt giảm. Trong khi đó, Công ty không dám tăng tương ứng với mức giá từ nhà sản xuất, nhà phân phối đưa ra, chỉ tăng chút đỉnh để bù đắp vào chi phí vận chuyển”.

Theo tính toán của các doanh nghiệp xây dựng, chi phí VLXD đang chiếm khoảng 60% giá trị công trình. Do đó, khi giá VLXD tăng cao đã tác động không nhỏ đến các gói thầu đang triển khai, nhất là những công trình hợp đồng trọn gói có thời gian ngắn. Điều này khiến các doanh nghiệp chịu nhiều bất lợi.

Điều chỉnh dự toán dự án

Theo Quyết định số 1136/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dự án đầu tư xây dựng công trình đường Nguyễn Văn Linh-đoạn từ đường Trường Chinh đến Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng. Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2022 và hoàn thành trong năm 2024. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku, dự án đã hoàn thành khâu thiết kế nhưng dự toán vượt tổng mức đầu tư do giá VLXD tăng cao. Vì vậy, UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương điều chỉnh dự án. Hiện các sở, ngành liên quan đang thẩm định, phê duyệt điều chỉnh.

Ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku-cho biết: “Từ năm 2021 đến thời điểm này, giá VLXD liên tục tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án xây dựng. Điển hình như dự án đường Nguyễn Văn Linh hiện đã phải điều chỉnh. Nếu trước thời điểm đấu thầu 28 ngày mà giá VLXD tiếp tục có biến động thì phải dừng để tiếp tục điều chỉnh. Dự kiến tháng 8-2022, dự án triển khai đấu thầu và tháng 9 bắt đầu khởi công. Thời điểm này, hầu hết các công trình xây dựng đều có tổng mức đầu tư vượt so với dự toán ban đầu trung bình khoảng 3-5%. Đối với các công trình sử dụng khối lượng sắt thép nhiều thì tăng khoảng 10-15%”.

Cũng trong tình trạng thấp thỏm theo đà tăng của giá VLXD, ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: “Hiện một số dự án nhỏ trên địa bàn huyện đã hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công thì không được điều chỉnh dự toán. Còn một số dự án lớn phải thực hiện theo thiết kế 2 bước thì thời gian khá dài, hiện đang trong giai đoạn thẩm định. Việc giá VLXD tăng như hiện nay thì các dự án này có nguy cơ phải điều chỉnh giá, doanh nghiệp mới tham gia đấu thầu”.

Ông Huỳnh Trung Thật-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Phú Tân Thành Gia Lai (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) chia sẻ: “Chúng tôi đang thi công Trường THCS Nguyễn Huệ và Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong quý IV-2022. Việc giá VLXD tăng trong thời gian qua khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là 2 công trình hợp đồng trọn gói nên chúng tôi buộc phải cố gắng hoàn thành đúng như cam kết để đảm bảo uy tín cũng như khẳng định năng lực của doanh nghiệp”.

 

 VŨ HÀ

 

Có thể bạn quan tâm