Đã có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến nhà dân khi nâng cấp Quốc lộ 19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Liên quan đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai kiến nghị rà soát lại hồ sơ thiết kế, thực tế triển khai để điều chỉnh phương án thi công phù hợp, tránh ảnh hưởng đời sống người dân trong quá trình thi công Quốc lộ 19, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết đã có phương án để xử lý vấn đề này. 

 Phương tiện gặp khó khăn khi tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 19, đoạn qua huyện Đăk Pơ (Gia Lai). Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN
Phương tiện gặp khó khăn khi tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 19, đoạn qua huyện Đăk Pơ (Gia Lai). Ảnh tư liệu: Hồng Điệp/TTXVN


Theo đó, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết, vừa qua, Ban Quản lý dự án 2 đã cùng với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai và các đơn vị chức năng kiểm tra tại hiện trường toàn bộ dự án nâng cấp Quốc lộ 19. Từ đó, để đưa ra giải pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo sinh hoạt và đi lại của người dân.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án 2 cho biết, đối với những đoạn tuyến thi công rãnh thoát nước có cao độ cao hơn khu vực nhà dân, Ban đã chỉ đạo các đơn vị thi công đường gom để thuận lợi cho người dân đi lại. Song song với đó, các nhà thầu sẽ đắp đất tạo độ thoải để cho người dân đi xuống đường được thuận lợi. Cùng với đó, sẽ thực hiện các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công dự án.

“Đặc biệt, Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu thi công cuốn chiếu hạng mục rãnh thoát nước, đắp nền, lu lèn ngay mặt đường những mặt bằng đã được đào đắp đảm. Tuyệt đối không để rãnh sâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”, đại diện Ban Quản lý dự án 2 thông tin.

Về bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, đại diện Ban Quản lý dự án 2 khẳng định, ngay từ khi triển khai dự án, xác định tính chất dự án là vừa thi công vừa đảm bảo giao thông đi lại của tuyến, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu phải đặt việc bảo đảm an toàn giao thông lên hàng đầu. Hàng ngày, hàng giờ phải quan tâm đến biển báo, dây phản quang… đến từng tổ, đội thi công. Cùng với đó phải cắt cử đủ người để đảm bảo phân luồng giao thông.

Về tiến độ chung của dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, dự án thi công gói thầu đầu tiên từ tháng 9/2021, đến thời điểm này, 7/8 gói thầu thuộc dự án đã được triển khai, sản lượng giải ngân vốn đến nay đạt khoảng 27% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra.

Hiện còn một gói thầu XL01 - gói thầu lớn nhất của dự án, Ban Quản lý dự án 2 đang báo cáo kết quả đấu thầu cho nhà tài trợ vốn là Ngân hàng Thế giới, dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 6/2022. Gói thầu này được thực hiện với chiều dài 17km với giá trị 600 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm việc mở rộng 8km đường đèo An Khê (đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định). Đây là đoạn đường nhỏ hẹp, nhiều khúc cua, độ dốc lớn, sẽ được mở rộng bề rộng mặt đường từ 7m lên hơn 9m.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Hiện nay, phương tiện di chuyển trên Quốc lộ 19 từ Bình Định đến Gia Lai phải mất 6,5 - 7 tiếng, sau khi được đầu tư nâng cấp, thời gian đi lại rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 5 tiếng.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, Quốc lộ 19 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung.

Đồng thời, tuyến Quốc lộ 19 còn góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; phát triển hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19 đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn giao thông.

Theo Quang Toàn (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.