5 dự án kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án metro số 2, Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Cầu Cát Lái và cầu Cần Giờ được đầu tư những năm tới giúp giao thông TPHCM giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn. Ảnh: Minh Quân
Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn. Ảnh: Minh Quân
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài
Theo quy hoạch, tới năm 2020 TPHCM kết nối với các tỉnh có 6 tuyến cao tốc với chiều dài 310km, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 2 đường: TPHCM - Trung Lương (khai thác năm 2010) và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (năm 2015) đang quá tải.
Các tuyến còn lại khá ì ạch. Cụ thể dài 57,8km, cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công từ 2014 nhưng đến nay vẫn chưa “về đích”. Còn tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước) mới được giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai.
Riêng cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đang được TPHCM lên kế hoạch khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2026. Theo đó, cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài khoảng 50km, điểm đầu giao Vành đai 3 TPHCM, điểm cuối ở Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Tổng vốn đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 15.900 tỉ đồng, làm trước 4 làn xe và nâng lên 6-8 làn khi hoàn thiện.
Kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án khoảng 7.400 tỉ đồng, trong đó phía TPHCM hơn 5.900 tỉ đồng. Tuyến đường khi khai thác giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác tuyến liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia. Đồng thời, công trình cũng phá thế độc đạo của quốc lộ 22 đang quá tải.
Vành đai 3
Theo quy hoạch, TPHCM có 3 tuyến Vành đai với tổng chiều dài khoảng 356km, nhưng đến nay mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km, đạt chưa đến 20%. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống Vành đai như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM cũng như khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó đường Vành đai 3 là quan trọng nhất bởi làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của TPHCM. Tuyến đường còn mang vai trò chiến lược trong hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, được quy hoạch từ năm 2011 với tổng chiều dài hơn 90km, Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, sau 11 năm toàn tuyến mới có 15km đi qua Bình Dương hoàn thành đưa vào khai thác. Thời gian gần đây, sau nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương và bộ ngành liên quan chuẩn bị trình dự án lên Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Giai đoạn một, Vành đai 3 làm trước 4 làn cao tốc trên chiều dài hơn 76 km, cùng đường song hành hai bên đầu tư theo nhu cầu của các tỉnh thành. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện quy mô hoàn chỉnh, rộng 63-74m, nút giao có thể 120m, để sau này mở lên 8 làn và đường song hành hai bên.
Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỉ đồng. Theo kế hoạch, sau khi được thông qua, tuyến đường sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.
 
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh: Minh Quân
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh: Minh Quân
Tuyến metro số 2
Theo quy hoạch, tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TPHCM khoảng 220km với tổng vốn đầu tư 25 tỉ USD, gồm: 8 tuyến trung tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray.
Hiện TPHCM đang tập trung triển khai tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành – Suối Tiên), thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) và kêu gọi xúc tiến đầu tư các tuyến còn lại.
Trong đó, tuyến metro số 2 được đánh giá là một trong các tuyến quan trọng nhất. Dự án kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, 3b, 4 và 6 (nhà ga metro số 2 tại Bà Quẹo sẽ kết nối với tuyến số 6) tạo thành hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm thành phố. Góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến.
Tuyến metro này có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỉ đồng, dài hơn 11km với 9 ga ngầm, một ga trên cao. Theo kế hoạch, trong năm nay dự án sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức khởi công hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật vào quý II. Giai đoạn 2023-2024 lựa chọn nhà thầu thi công, giai đoạn 2025-2030 tổ chức thi công và đưa vào vận hành khai thác.
Đường tuyến sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ
Tổng chiều dài tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ dài khoảng 135 km. Đoạn dài nhất đi qua Tiền Giang hơn 61km; gần 34 km đi qua Vĩnh Long; đoạn qua Long An dài gần 28km, 6,5km qua TP HCM và đoạn qua Cần Thơ dài 5,5km. Điểm đầu của tuyến là ga Tân Kiên thuộc huyện Bình Chánh (TPHCM) và điểm cuối là ga Cái Răng thuộc quận Cái Răng (Thành phố Cần Thơ).
Dự án được đề xuất sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Ước tính tổng đầu tư dự án khoảng 10 tỉ USD. Khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông Vận tải.
Tuyến đường khi đưa vào khai thác ước tính thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ khoảng 45 phút, thay vì 5-6 giờ như hiện nay. Ngoài ra tuyến giúp tăng năng lực giao thương hàng hoá giữa TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế xã hội vùng.
Hiện Bộ GTVT,  TPHCM đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TPHCM - Cần Thơ, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Cầu Cần Giờ
Dự án cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, sẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Cầu bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TPHCM. Cách đây 6 năm, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020.
Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Trong 17 thiết kế đưa ra, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ được chọn. Theo phương án này, cầu Cần Giờ dài 3,4km, có 4 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao đường 15B với đường số 2 (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh gần 2km tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Công trình dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028. 
Theo Trịnh Văn Quân (LĐO)

https://laodong.vn/giao-thong/5-du-an-ky-vong-thay-doi-dien-mao-giao-thong-tpho-chi-minh-1038738.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...