Gia Lai – Kon Tum: Sạt lở núi gây thiệt hại nặng về giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo cơ quan chức năng 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, các tuyến đường giao thông ở 2 tỉnh Tây Nguyên bị sạt lở nặng chủ yếu do lở núi. UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố không được rời khỏi địa bàn khi đang có mưa bão, để chỉ đạo, khắc phục hậu quả kịp thời.
 

 
Mưa lũ chẻ đôi đường Quốc lộ 24 lên Măng Đen trên địa bàn Kon Tum. Ảnh: THANH TUẤN
Mưa lũ chẻ đôi đường Quốc lộ 24 lên Măng Đen trên địa bàn Kon Tum. Ảnh: THANH TUẤN


Tại Kon Tum, bão số 9 và mưa lũ lớn đã gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn, giá trị thiệt hại trên 386 tỉ đồng, với trên 2.000 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước, nhiều công trình hạ tầng giao thông hư hỏng, công trình cầu cống, cầu treo dân sinh bị lũ cuốn trôi.

Có 17 điểm trường bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. 3 trạm y tế bị ảnh hưởng, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 6.203ha… Đáng kể là các tuyến đường giao thông quan trọng bị ách tắc, sạt lở nghiêm trọng như Quốc lộ (QL) 24, QL14C, QL40, QL40B, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường tỉnh lộ 675, 677… Theo thống kê có hơn 228 điểm bị sạt lở gây ách tắc giao thông...

Tại tỉnh Gia Lai, mưa bão đã làm sập hoàn toàn 15 căn nhà tại các huyện Kbang, Kông Chro, Pleiku, Đak Đoa, tốc mái gần 1.000 căn nhà... Thiệt hại về công trình Giao thông: Có 35 điểm sạt lở tại Đèo Kon Pne, xã Đăk Smar, xã Lơ Ku và đứt dây cầu treo dân sinh xã KonPne huyện Kbang. Sụt lún tại An Khê, sạt trôi đường giao thông liên xã Phú Cần - Ia Rmok, sạt một phần đường quản lý vận hành hồ chứa nước Ia Dreh với chiều dài 7km tại huyện Krông Pa; Sạt lở, sụt lún 1.230m đường giao thông nội đồng tại huyện Phú Thiện… Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 132 tỉ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho hay, các địa phương có lúc chưa chặt chẽ trong việc chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin với các lực lượng. Chưa kịp thời trong xử lý tình huống thiên tai chưa, chủ yếu tập trung cho ứng phó khi có thiên tai xảy ra dẫn đến tình trạng chủ quan… Để đối phó với cơn bão số 10, tỉnh Kon Tum yêu cầu, tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, nhất là các tình huống bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... để chuẩn bị phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 10. Trong thời gian mưa bão diễn ra, các lãnh đạo huyện, thành phố không rời khỏi địa phương nếu không có lý do chính đáng, để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống ứng phó thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai - cho biết, sau bão chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, trong đó chủ yếu là bộ đội địa phương, dân quân, công an xã, đoàn thanh niên... giúp dân di dời con người và tài sản đến nơi an toàn. Các hộ dân có nhà bị hư hại, ngập thì được đưa vào tạm ở nhà văn hóa, nhà rông hoặc các hộ khác trong cộng đồng.

Đối với các điểm giao thông bị ngập sâu hoặc sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đất, đá, đã tổ chức lực lượng chốt chặn và cắm biển cảnh báo cấm người và các phương tiện qua lại. Bố trí các lực lượng xung kích, dân quân tự vệ trực và cảnh báo tại các vị trí xung yếu nguy cơ sạt lở cao, lũ quét và tại các ngầm tràn giao thông để giảm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người.

https://laodong.vn/xa-hoi/sat-lo-nui-gay-thiet-hai-nang-ve-giao-thong-851695.ldo

Theo THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.