Nhơn Hòa khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2015 đến nay, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai) đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế-xã hội đến đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2015 trở về trước, khi hồ tiêu đạt giá đỉnh 200-250 ngàn đồng/kg, người dân Nhơn Hòa có cuộc sống khấm khá, thị trấn trở thành thủ phủ hồ tiêu của tỉnh. Những triệu phú chân đất xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch khiến diện tích cây hồ tiêu tăng đột biến, giá hồ tiêu bắt đầu giảm khi sản lượng tăng nhanh. Theo đó, đời sống của người dân trên địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng. 
 Một góc thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh).
Một góc thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh).
Trước thực trạng này, Đảng bộ, chính quyền thị trấn quyết tâm tìm hướng đi mới để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Nghị quyết Đảng bộ thị trấn Nhơn Hòa nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, sản xuất nông nghiệp là trọng tâm nhưng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Nhiều mô hình kinh tế mới được người dân triển khai thực hiện. Điển hình là mô hình trồng mít Thái của anh Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong). Năm 2015, sau khi vườn hồ tiêu chết vì dịch bệnh, anh Tín vào miền Tây mua giống mít Thái về trồng. Bén rễ đất Nhơn Hòa, 600 cây mít Thái sinh trưởng và phát triển tốt giúp gia đình anh Tín có lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Tương tự, gia đình anh Võ Bình Thời (thôn Hòa An) chọn cây ớt và chanh trồng trên diện tích hồ tiêu bị chết. Trong đó, chỉ riêng cây ớt đã giúp gia đình anh thu nhập 300 triệu đồng/ha. “Hai loại cây này đang giúp kinh tế gia đình phục hồi. Nếu ớt và chanh được giá cao, mỗi năm cũng lãi vài trăm triệu đồng, giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống và trả nợ tiền vay đầu tư trồng hồ tiêu trước đây”-anh Thời phấn khởi chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND thị trấn Nhơn Hòa, giai đoạn 2015-2019, kinh tế-xã hội trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan. Tốc độ tăng giá trị sản xuất là 8,64% so với giai đoạn 2010-2015; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 34 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm là 1.106,9 ha, đạt 94,45% kế hoạch và tăng 38,7 ha so với cuối năm 2014; tổng sản lượng lương thực đạt 2.660 tấn, bằng 82,28% so với Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa Phạm Ngọc Tuấn, tính riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất của thị trấn đạt hơn 469 triệu đồng, trong đó, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản là 98 triệu đồng, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng hơn 110 triệu đồng, giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ hơn 261 triệu đồng. Tổng diện tích gieo trồng là 1.108,1 ha, đạt 103,2% kế hoạch huyện giao, đạt 103,7% kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách năm 2019 là 6,3 tỷ đồng, đạt 100,24% kế hoạch huyện giao; tổng chi ngân sách 6,1 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch huyện giao”. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến gần 3.000 m2 đất chỉnh trang đô thị, làm đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Hữu Dương-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp và phát triển du lịch. Song song với đó, thị trấn sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi; lồng ghép có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.
 VIỆT LÂM

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.