Pleiku: Mặt trận đi đầu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku đã triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Cuộc vận động đã làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân và góp phần giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 

Nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Y Khum-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku-cho biết: “Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai kế hoạch thực hiện phù hợp. Chú trọng đổi mới nội dung và đa dạng về hình thức công tác vận động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Trao đổi kinh nghiệm tuyên tuyền vận động quần chúng của MTTQ cơ sở. Ảnh: T.N
Trao đổi kinh nghiệm tuyên tuyền vận động quần chúng của MTTQ cơ sở. Ảnh: T.N



Để tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ Mặt trận xã, phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; tổ chức ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội triển khai thực hiện gắn với các phong trào ở địa bàn dân cư.

Hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú, khơi dậy tinh thần thi đua và sự chung sức của cộng đồng tham gia cuộc vận động, đặc biệt là tuyên truyền về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; phối hợp cùng các ban, ngành tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; phối hợp triển khai mô hình khuyến nông hỗ trợ 50 hộ nghèo nuôi bò sinh sản, heo thịt và mô hình trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp… Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm còn 0,82% và 1,05% hộ cận nghèo.

Ông Từ Văn An-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố-chia sẻ: Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân trên địa bàn đã hiến hơn 7.500 m2 đất, đóng góp hơn 3.750 ngày công và trên 1,3 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Các tổ chức chính trị-xã hội thành viên đã vận động giải tỏa, di dời hơn 195.260 m đường, hàng rào; đóng góp trên 5.000 ngày công sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng hội trường; kiên cố hóa 223 km đường giao thông, ra quân tháo dỡ 6.675 địa điểm vi phạm trật tự đô thị... Hiện MTTQ tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Những điển hình ở cơ sở

Tại xã Chư Á, MTTQ và hệ thống chính trị xã đã chú trọng vận động cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và được UBND TP. Pleiku phê duyệt với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 13,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 8,3 tỷ đồng để bê tông, cứng hóa đường giao thông nông thôn, bê tông và nạo vét kênh mương, làm đường nội đồng, cầu dân sinh. Ngoài ra, MTTQ còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ xây nhà tặng hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, sửa chữa nhà dột nát, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ khó khăn. Tiêu biểu, Ban công tác Mặt trận làng Bông Phun đã vận động dân làng đóng góp ngày công và gần 130 triệu đồng làm 440 m đường bê tông, nạo vét 300 m kênh mương; vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế, sửa chữa, xây dựng nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhờ đó, làng Bông Phun nhiều năm liền được UBND thành phố công nhận là làng văn hóa. Hay Ban công tác Mặt trận làng Chuét Ngol tích cực giúp bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả với 14 ha lúa nước, gần 1,5 ha diện tích rau màu các loại, đàn bò gần 130 con, đàn heo gần 280 con...

  Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Thị Tâm (bìa phải) trao tặng giấy khen cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xây dựng khối đoàn kết toàn dân năm 2019. Ảnh: T.N
Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Thị Tâm (bìa phải) trao tặng giấy khen cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xây dựng khối đoàn kết toàn dân năm 2019. Ảnh: T.N



Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường cũng đã tập trung tuyên truyền xây dựng đô thị văn minh gắn với thực hiện Đề án văn minh đô thị của thành phố và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa X) về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020”. Theo đó, phường Hội Thương là điển hình trong đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành trước, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân noi theo. Ông Nguyễn Đăng Quang-Bí thư Đảng ủy phường-phấn khởi cho hay: “Nhờ sự đồng thuận trong nhân dân mà việc di dời hàng rào, tháo dỡ vật kiến trúc đảm bảo chỉ giới cho quá trình thi công mở rộng và nâng cấp các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Sư Vạn Hạnh, Phan Đình Giót diễn ra thuận lợi, đẩy nhanh việc triển khai nhựa hóa, bê tông hóa, lắp điện chiếu sáng các đường hẻm”.  

Một trong những khu dân cư tiêu biểu của phường Đống Đa là tổ dân phố 1. Ban công tác Mặt trận đã cùng cấp ủy chi bộ tổ dân phố, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận cao trong việc nâng cấp, bê tông hóa đường hẻm ở khu dân cư với tổng chiều dài hơn 1 km, kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ  đồng. Ông Trần Văn Hải-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường-thông tin: “Ngoài nguồn hỗ trợ của phường và nguồn xã hội hóa, nhân dân trong tổ đã đóng góp hơn 700 triệu đồng và tham gia tự quản tại các trục đường trong quá trình thi công, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp”.

 THANH NHẬT
 

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.