Pleiku: Xứng tầm đô thị loại I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định Đề án công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Việc Pleiku đủ điều kiện xét công nhận đô thị loại I là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị cấp tỉnh và thành phố.
Nỗ lực nâng cấp hạ tầng đô thị
Ngày 24-7-2019, UBND TP. Pleiku đã ban hành Kế hoạch số 1596/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng và đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình trong kế hoạch đầu tư công năm 2019, bao gồm: nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường: Hai Bà Trưng, Trần Phú, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn, Cách Mạng Tháng Tám…; cải tạo hoa viên Trần Hưng Đạo-Lê Lợi, Công viên Kpă Klơng, Lâm viên Biển Hồ; lát đá vỉa hè một số tuyến đường trung tâm thành phố. Tổng vốn để thực hiện các công trình này là 580 tỷ đồng.
 Đường Hai Bà Trưng được nâng cấp góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo diện mạo hiện đại, trẻ trung cho đô thị Pleiku. Ảnh: L.H
Đường Hai Bà Trưng được nâng cấp góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo diện mạo hiện đại, trẻ trung cho đô thị Pleiku. Ảnh: L.H
Được UBND TP. Pleiku chọn là một trong 2 công trình tiêu biểu chào mừng 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hai Bà Trưng có chiều dài toàn tuyến là 1.105 m (bắt đầu từ điểm giao với đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Lý Thái Tổ), quy mô đường giao thông nội thị tiêu chuẩn cấp III với tổng mức đầu tư hơn 58,4 tỷ đồng do liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên-Công ty cổ phần Thăng Long thi công. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn tất, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo cảnh quan đô thị khu vực trung tâm TP. Pleiku. Công viên Kpă Klơng cũng được chọn là công trình tiêu biểu chào mừng 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn tất việc lắp đặt, hoàn thiện hệ thống khuôn viên, tượng đài, lan can tiểu cảnh, trồng cây xanh, hoa...
Hiện nay, TP. Pleiku cũng đang triển khai nâng cấp tuyến đường Trần Phú có chiều dài 770 m (từ điểm giao với đường Lê Lai tới điểm giao với đường Lý Thái Tổ) với tổng mức đầu tư trên 41,5 tỷ đồng. Công trình bắt đầu thi công từ cuối tháng 7-2019 và dự kiến kết thúc vào giữa tháng 7-2020, do liên danh Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi-Công ty cổ phần Phát triển Đại Việt thực hiện. “Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại, đặc biệt với những đường phố vốn sầm uất, đông đúc như: Hai Bà Trưng, Trần Phú... Từ đó, góp phần làm tăng tính thẩm mỹ cho đô thị Pleiku”-anh Lê Văn Nam-một kiến trúc sư sống tại phường Phù Đổng (TP. Pleiku) nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku còn tích cực thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa, tạo dáng cây xanh, cải tạo hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, điện và hoa trang trí các điểm công cộng theo chủ đề chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku. Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Thành phố tập trung nguồn lực để hoàn thiện từng bước hệ thống hạ tầng đô thị thiết yếu như: giao thông trục, giao thông tĩnh, điện-đường-trường-trạm, hạ tầng phát triển du lịch và đặc biệt là trung tâm hành chính công nhằm phục vụ tối đa nhu cầu phát triển của địa phương cũng như cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền đô thị”.
Hướng đến sự hài lòng của người dân
Với tổng diện tích tự nhiên hơn 26.076 ha, tốc độ đô thị hóa đạt xấp xỉ 80%, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa bản sắc là mối quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền thành phố trong thời gian qua. Cụ thể, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa X về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020” đã chỉ rõ: Mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên; có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại.
Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao.    Ảnh: PHAN NGUYÊN
Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Việc công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I là cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đây là thành quả, đồng thời cũng là thách thức đặt ra cho chính quyền và nhân dân Pleiku để nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa trong xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, phát triển và văn minh, xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh”.

Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế, trên cơ sở nội dung nghị quyết này, thành phố đã tiến hành triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm tập trung nguồn lực, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các chỉ tiêu đã đạt và hoàn thành các tiêu chí đô thị theo định hướng đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nhờ nỗ lực trên, sau 10 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, đến nay, TP. Pleiku đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống người dân ngày được nâng cao, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I. Kết quả này được phản ánh rõ trong nội dung Đề án công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I khi đối chiếu với các chỉ tiêu, tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Theo đó, các tiêu chí đánh giá của TP. Pleiku đều đạt mức tối thiểu trở lên; kết quả tổng hợp các tiêu chí phân loại đô thị của TP. Pleiku đạt 83,19/100 điểm, nằm trong khung quy định đủ điều kiện xét công nhận là đô thị loại I. 
Chủ tịch UBND TP. Pleiku cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân với chính quyền đô thị. Cụ thể, việc quy hoạch, đầu tư cho hạ tầng đô thị Pleiku vẫn còn thiếu tính đồng bộ, chất lượng và tính khả thi còn hạn chế, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một số công trình chưa được đầu tư tương xứng; nếp sống văn minh đô thị của người dân có lúc, có nơi còn chưa theo kịp đà phát triển đô thị... Điều này có một phần nguyên nhân do nguồn vốn ngân sách tập trung cho đầu tư, chỉnh trang đô thị hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu. Thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng tăng cường công tác kết nối, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các công trình tạo động lực phát triển nhưng đồng thời có ý nghĩa phúc lợi, an sinh xã hội cao như: kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Thông qua đó góp phần tạo sức bật cho đô thị phát triển và người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ hạ tầng đô thị ngày một tốt hơn.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm