Khốn khổ vì đường xuống cấp nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, tuyến đường liên huyện từ ngã ba La Sơn (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku) qua huyện Đak Đoa đi Chư Sê đã hư hỏng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân 2 bên đường và người tham gia giao thông. Mặc dù người dân các địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (thôn 19, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: Đường hư hỏng đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Ở đây chỉ cần nắng lên là bụi bay mù mịt, còn mưa thì các ổ voi, ổ gà tạo thành các hố sâu ngập nước, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Mới đây, vào buổi tối, có 2 thanh niên đi xe máy không thấy đường nên lao xuống hố sâu, bị chấn thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
  Ổ voi, ổ gà chi chít mặt đường. Ảnh: C.H
Ổ voi, ổ gà chi chít mặt đường. Ảnh: C.H
Tương tự, bà Phạm Thị Nhan (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cho hay: “Người dân nhiều xã của huyện Chư Sê và Đak Đoa đều đi chung trên tuyến đường này. Đường nằm tiếp giáp giữa các địa phương nên chúng tôi không biết phải kêu ai để làm lại đường. Riêng xóm nhà tôi đang ở đã có nhiều gia đình phải bán nhà đi nơi khác sinh sống do không chịu nổi bụi đường. Ngoài ra, các xe có tải trọng lớn, gồm cả xe container thường xuyên đi qua đây làm cho con đường càng hư hỏng nặng hơn”. Cuối năm 2018, đơn vị sửa chữa đường đã đổ đất đá để xử lý các vị trí hư hỏng nhưng đến nay thì đâu lại hoàn đấy. 
Theo tìm hiểu của P.V, tuyến đường liên huyện này dài gần 40 km, có điểm đầu giao với Km 1606+700 đường Hồ Chí Minh, điểm cuối giao với Km 6+460 đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông thị trấn Chư Sê, do TP. Pleiku, huyện Đak Đoa, huyện Chư Sê quản lý. Trong đó, TP. Pleiku quản lý 650 m thuộc xã Chư Hdrông; huyện Đak Đoa quản lý 5 km thuộc xã Ia Băng, hiện trạng mặt đường rộng 7 m, nền đường rộng 9 m gần như hư hỏng toàn bộ. Đoạn đường còn lại do huyện Chư Sê quản lý dài 29,8 km chạy qua địa bàn các xã: Ia Tiêm, Bar Măih, Bờ Ngoong, Al Bá, Kông Htok, xã Dun và thị trấn Chư Sê, có mặt đường láng nhựa rộng từ 2,5 m đến 3,5 m, nền đường rộng 6 m, nhiều đoạn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, đoạn đường qua xã Ia Tiêm bị hư hỏng nghiêm trọng nhất, nhiều đoạn hư hỏng toàn bộ. Hệ thống biển báo, cọc tiêu trên tuyến đường này cũng gần như không có, cũng không có điện đường vào ban đêm.
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Văn Mạch-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-chia sẻ: Tuyến đường này hư hỏng đã lâu nhưng chưa được đầu tư duy tu, sửa chữa. Để đảm bảo hàng hóa của người dân được lưu thông thuận tiện thì rất cần đầu tư, nâng cấp tuyến đường này. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân tại địa phương.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Ban-Chủ tịch UBND xã Ia Tiêm-cho biết: Đường liên huyện qua xã đã hư hỏng nghiêm trọng, nhiều vị trí mặt đường hư hỏng toàn bộ. Xã chỉ có khoảng hơn 1 km đường được trang bị các bóng điện đã cũ do ngành Điện lực hỗ trợ, tiền điện do địa phương tự chi trả nên chỉ có thể thắp sáng trong khoảng thời gian từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ hàng ngày. Vào mùa mưa, việc đi lại của nhân dân càng khó khăn hơn do các hố sâu đọng nước trên mặt đường rất nguy hiểm, điện đường thì không đủ để thắp sáng cho toàn tuyến.
Được biết, năm 2017, Sở Giao thông-Vận tải đã tham mưu Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh phân bổ nguồn kinh phí dự phòng cho UBND huyện Đak Đoa 500 triệu đồng để sửa chữa tuyến đường. Năm 2018, Công ty cổ phần Quản lý Sửa chữa đường bộ Gia Lai đã hỗ trợ khắc phục, sửa chữa đường với kinh phí 200 triệu đồng. Tuy nhiên, việc sửa chữa chỉ mang tính chất tạm thời, cục bộ tại các vị trí hư hỏng nghiêm trọng. Đến nay, tuyến đường tiếp tục hư hỏng ngày càng nghiêm trọng khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, UBND huyện Đak Đoa đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh điều chuyển tuyến đường trên về tỉnh quản lý để đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Đây cũng là mong mỏi rất chính đáng của nhiều người dân huyện Đak Đoa, Chư Sê và TP. Pleiku khi hàng ngày phải đi lại trên tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng này.
 CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.