Sửa chữa quốc lộ 19: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân rất bức xúc trước những bất cập nảy sinh từ việc thi công Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19 đoạn Km 90-Km 108 qua huyện Đak Pơ (Gia Lai). Đặc biệt, bề mặt đường sau khi sửa chữa để lại nhiều mấu nối có độ vênh khá lớn giữa nền đường cũ và mới gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Anh Trần Quang Đạo (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) không giấu nổi bức xúc khi chia sẻ với P.V Báo Gia Lai về những bất cập trong việc sửa chữa mặt nền quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đak Pơ. Theo anh Đạo, mới đây, anh có việc đi qua đoạn đường này. Vì đường lạ nên anh điều khiển xe với tốc độ bình thường song xe vẫn vấp phải gờ đấu nối cao bất ngờ nên không kịp xử lý dẫn đến xe bị sụp gầm, bể bửng trước. “Đường sửa chữa để lại những mấu nối cao bất thường, nếu xe gầm thấp hay tài xế không quen đường rất dễ bị sụp gầm. Hơn nữa, tại các điểm này, đơn vị thi công không đặt biển cảnh báo để người đi đường biết và tránh”-anh Đạo nói.
Không chỉ người lạ mà ngay cả những tài xế xe ô tô con thường xuyên đi lại qua tuyến đường này cũng gặp nạn bởi những mấu nối nhô cao bất ngờ. Anh Trần Duy Trọng (phường An Bình, thị xã An Khê) trong một lần chạy xe con ngang qua đây đã không may va vào mấu nối, bị bể két nước, cản và đèn trước xe khiến anh phải tốn khá nhiều tiền sửa chữa. Anh Trọng bức xúc: “Thi công đường kiểu này là quá ẩu, coi thường tính mạng của người tham gia giao thông. Mình đi xe con, hư xe còn sửa được, đối với người điều khiển xe máy, nếu chạy nhanh, không quen đường dễ bị vấp ngã thì hậu quả sẽ khôn lường”.
  Nền đường cũ và mới có độ vênh lớn khiến các phương tiện lưu thông qua gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: N.M
Nền đường cũ và mới có độ vênh lớn khiến các phương tiện lưu thông qua gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: N.M
Ông Đinh Quốc Thành (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) là người thường xuyên chở hàng xuống thị trấn Đak Pơ buôn bán. Ông cho biết, trung bình mỗi ngày, ông đi lại 2 lượt trên đoạn đường này. Việc sửa chữa đoạn đường khiến người và phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay gần trụ sở UBND xã Hà Tam cũng có một điểm đấu nối khá nguy hiểm khiến nhiều xe đi theo hướng từ Bình Định lên Gia Lai gặp nạn. Tương tự, bà Nguyễn Thị Duy Hiền (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) chia sẻ, từ ngày đơn vị thi công triển khai sửa chữa đoạn đường này, tận mắt bà chứng kiến nhiều người đi xe máy bị ngã. “Nhiều nhất là khu vực dốc cua đặt gương cầu lồi đoạn gần Km 103. Đoạn này nền đường nghiêng, ôm cua gấp khúc, nhà thầu lại rải lớp đá dăm nên nhiều xe máy chạy ngang bị trượt ngã”-bà Hiền nói. Tuy nhiên, trong phần lớn các vụ tai nạn, người đi đường chỉ bị xây xát nhẹ, hư hỏng phương tiện, chưa có trường hợp tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người.
Trao đổi với P.V về việc đơn vị thi công sửa chữa đường gây mất an toàn giao thông, ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho biết: “Đoạn đường nối từ thị trấn Đak Pơ tới chân đèo Mang Yang đã xuống cấp nhiều năm nay nên khi được quan tâm đầu tư sửa chữa, người dân và chính quyền địa phương rất mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhà thầu chia thành nhiều đoạn. Ở các điểm đấu nối, sau khi sửa chữa đã để lại những gờ cao chênh lệch giữa mặt đường cũ và mới, có nơi cao đến 30 cm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho người dân. Nhiều người đã phản ánh, bày tỏ bức xúc về điều này với địa phương. Chúng tôi rất mong các cơ quan hữu quan sớm có giải pháp xử lý để đảm bảo việc đi lại qua đoạn đường này được an toàn hơn”.
Được biết, Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19 đoạn Km 90-Km 108 qua huyện Đak Pơ được phê duyệt từ tháng 7-2018, do Cục Quản lý Đường bộ III làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu triển khai thi công từ đầu tháng 11-2018. Trước một số ý kiến trái chiều xung quanh việc lựa chọn phương án và giải pháp thi công, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thay đổi giải pháp sửa chữa nền đường, mặt đường đoạn Km 90-Km 108 thuộc Dự án sửa chữa mặt nền, hệ thống thoát nước quốc lộ 19; trong đó kiến nghị thay đổi chủ trương kỹ thuật chuyển kết cấu đá dăm nước láng nhựa sang thảm bê tông nhựa. Cục Quản lý Đường bộ III đã đề xuất, kiến nghị lên Bộ Giao thông-Vận tải về thay đổi chủ trương kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hiện nay, dự án này đang tạm dừng thi công để chờ chuyển đổi.
Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Về những thông tin phản ánh tình trạng mất an toàn giao thông liên quan đến việc thi công tại đoạn đường này, Sở Giao thông-Vận tải đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III sớm có giải pháp phối hợp cùng địa phương trong công tác khắc phục, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua đây. Gần đây nhất, Sở Giao thông-Vận tải đã có Công văn số 316/SGTVT đề nghị Cục Quản lý Đường bộ III chỉ đạo đơn vị liên quan “có biện pháp vuốt nối các vị trí mặt đường còn chênh cao, tạo sự êm thuận, đảm bảo an toàn giao thông cho phương tiện tham gia giao thông tại đoạn tuyến này”. 
Quốc lộ 19 là tuyến đường huyết mạch nối Gia Lai với các tỉnh Duyên hải miền Trung, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Vì vậy, Cục Quản lý Đường bộ III cần sớm triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tại đoạn đường đang sửa chữa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do việc thi công gây ra.
 LÊ HÒA-AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần chào mừng Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

(GLO)- Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, địa phương liên quan yêu cầu quyết tâm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 30-4-2024 để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thị trường đất nền 'rã băng'

Thị trường đất nền 'rã băng'

Ở phía Bắc, nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức tăng từ 1,7 - 2 lần so với quý I/2023. Trong khi ở phía Nam, mức độ quan tâm đất nền tại quận 12, TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn tăng từ 13 - 25%.