Cao tốc Bắc - Nam: Cửa hẹp cho nhà đầu tư nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Điều kiện khá ngặt về tài chính trong hồ sơ mời tuyển có thể khiến nhiều nhà đầu tư trong nước bị “loại từ vòng gửi xe” khi tham gia dự tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông.

 Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn tuyến thuộc dự án, đã đưa vào khai thác
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn tuyến thuộc dự án, đã đưa vào khai thác

Khó về vốn

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, toàn bộ 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đầu tư theo hình thức PPP là dự án nhóm A. Đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết trong hồ sơ mời tuyển, Bộ GTVT xây dựng mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng 60 điểm), năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai của nhà đầu tư chiếm 10% tổng số điểm (10 điểm).

Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh sẽ là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh.

Trong bối cảnh ngành giao thông đang “vãn việc”, thiếu các dự án mới, các dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam đang là đích nhắm của rất nhiều doanh nghiệp (DN) giao thông, hạ tầng nhưng theo một chuyên gia, các DN trong nước khá “ngại” tham gia do không đáp ứng được các tiêu chuẩn từ vòng sơ tuyển.

Trên thực tế, theo quy định của luật Đấu thầu và Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu đáp ứng tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, đã triển khai các dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét..., thì rất ít DN trong ngành giao thông hiện đủ khả năng sơ tuyển.

Ràng buộc chặt chẽ từ hồ sơ

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ đấu thầu quốc tế theo quy định của luật Đấu thầu, nhà đầu tư trong nước hay quốc tế khi tham gia đều phải đáp ứng các quy định, không có ngoại lệ.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về vốn, kinh nghiệm sẽ giúp dự án cao tốc Bắc - Nam tránh được “vết xe đổ” của dự án mở rộng QL1 trước đây. Nhưng vì thế, “cửa” cho DN trong nước hẹp lại, trong khi DN nước ngoài có tiềm lực mạnh có thể thâu tóm dự án. Tuy nhiên theo ông Long, cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn để các DN trong nước có thêm cơ hội tham gia. Đấu thầu quốc tế thì DN nào đáp ứng đủ các tiêu chí cộng với giá thầu thấp hơn sẽ có lợi. DN trong nước muốn tham gia cuộc chơi cũng phải tính đến phương án liên danh, kết hợp để đáp ứng đủ tiêu chuẩn chứ không thể chỉ ngồi chờ đợi.

“Quan trọng là hợp đồng phải được làm chặt chẽ, có quy định ràng buộc cụ thể về tiến độ, chất lượng. Mánh lới của một số DN ngoại là thỏa mãn tất cả các điều kiện khi tham gia thầu, nhưng quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề về tiến độ, chất lượng cũng như vốn đầu tư. Nếu quy định chặt chẽ, chúng ta có thể phạt nếu nhà đầu tư chây ì, chậm tiến độ, tránh rơi vào tình trạng của một số dự án sử dụng vốn và nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay”, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

 


Bộ GTVT đang hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam. Sau khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (dự kiến lùi lại vào tháng 5), Bộ GTVT sẽ đánh giá năng lực và kinh nghiệm nhà đầu tư. Sau khi sơ tuyển ra 5 nhà đầu tư đáp ứng đủ tiêu chuẩn, bộ sẽ phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến đầu tháng 1.2020 sẽ là hạn cuối cho các nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ thầu và cuối tháng 3.2020 sẽ công khai kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP.

MAI HÀ (TNOI)

Có thể bạn quan tâm