Nên đặt tên đường Lê Đại Hành hay Lê Hoàn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở TP. Pleiku, đoạn nối giữa đường Lý Thái Tổ với đường Trường Sơn được đặt tên là đường Lê Đại Hành. Không chỉ Pleiku mà một số thành phố khác cũng đặt tên đường là Lê Đại Hành thay cho Lê Hoàn. Nhiều người cho rằng, Lê Đại Hành là miếu hiệu của vua Lê Hoàn. Đặt theo tên húy hay miếu hiệu sao chẳng được. Hai chẳng phải là một sao? Nhưng xin nói ngay: Đây là một sự nhầm lẫn với một nhân vật lịch sử có công với nước.
Chúng ta biết Lê Hoàn (941-1005 ) quê ở Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), xuất thân từ một gia đình nghèo khổ “bố dỡ đó, mẹ xó chùa”. Lớn lên, Lê Hoàn đầu quân cho Đinh Bộ Lĩnh. Nhờ tài trí hơn người, ông được Đinh Bộ Lĩnh giao chỉ huy 2.000 quân sĩ. Sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, vua Đinh phong ông chức Thập đạo Tướng quân Điện tiền đô Chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân đội kiêm quân cấm vệ). Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám sát, ông giữ quyền nhiếp chính trong bối cảnh cực kỳ khó khăn: bên trong các đại thần nổi loạn, bên ngoài thì quân Tống lăm le xâm lược. Bằng tài trí của mình, Lê Hoàn đã dẹp yên nội loạn, tái tạo một Chi Lăng, Bạch Đằng trên 2 mặt thủy, bộ; giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, buộc vua nhà Tống phải xuống chiếu lui quân… Với chiến công này, ông là người đã mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng phong kiến phương Bắc, đồng thời cũng là vị vua mở ra lệ cày tịch điền đầu năm biểu thị sự chăm lo của Nhà nước với nông nghiệp. Luận về công lao của Lê Hoàn, nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết: “Vua đánh đâu được đấy. Chém vua Chiêm để rửa cái nhục phiên di bắt đi sứ thần; đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy…”. Năm 1005, Lê Hoàn băng hà, thọ 65 tuổi, trị vì 24 năm…
 Một đoạn đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku).  Ảnh: N.T
Một đoạn đường Lê Đại Hành (TP. Pleiku). Ảnh: N.T
Theo điển lệ của các triều đại phong kiến Trung Hoa mà các triều đại phong kiến nước ta đều theo thì: Vua khi chưa lên ngôi được gọi theo tên riêng (tức tên húy). Ví dụ Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Trần Khâm… Khi đã lên ngôi hoặc sau khi băng hà, quần thần sẽ đặt cho vua một tôn hiệu để tỏ ý tôn kính. Ví dụ Đinh Bộ Lĩnh là “Đại Thắng Minh Hoàng đế”; Trần Cảnh là “Hiếu Thiên Thể Đạo Đại Minh Quang Hiếu Hoàng đế”... Đồng thời khi lên ngôi, vua cũng được đặt niên hiệu. Ví dụ Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… Vua có thể chỉ một niên hiệu hoặc nhiều niên hiệu. Ví dụ Lý Thánh Tông 5 lần thay niên hiệu hay Lý Nhân Tông đổi niên hiệu đến 8 lần… Khi qua đời, chưa chôn vào lăng thì vua được gọi là “Đại hành hoàng đế”. “Đại hành” có nghĩa là “chuyến đi rất xa” của vua. Sau khi hoàn tất việc an táng, quần thần sẽ đặt miếu hiệu, thụy hiệu cho vua. Thường những vị vua sáng lập triều đại thì miếu hiệu là Thái tổ; kế tiếp là Thái tông, Nhân tông, Thánh tông… Còn thụy hiệu, quân thần căn cứ vào công tích của vị vua đó để đặt. Nếu vua sáng nghiệp triều đại có võ công thì thụy là “võ”; nhân từ, mở mang chính sự là “văn”. Ví dụ: miếu hiệu, thụy hiệu của Nguyễn Phúc Ánh là “Thế tổ Võ Hoàng đế; Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng) là Thánh tổ Nhân Hoàng đế…  
Như vậy, từ những điển lệ trên cho thấy: Lê Đại Hành không phải là miếu hiệu hay thụy hiệu của vua Lê Hoàn, dịch theo nghĩa trần tục chỉ có nghĩa là “vua chết chưa chôn”. Điều này, sử gia Ngô Sĩ Liên cũng đã dẫn lời sử gia Lê Văn Hưu trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng thì gọi là Đại hành hoàng đế, Đại hành hoàng hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dở để đặt thụy, không gọi là Đại hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa triều (Lê Long Đỉnh) là con bất tiếu (không tốt), lại không có bề tôi nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt tế thụy cho nên thế…”.
Như vậy là “Lê Đại Hành” nghĩa thật đã rõ ràng. Thiết nghĩ TP. Pleiku cũng như những nơi khác nên thay tên đường “Lê Đại Hành” thành đường Lê Hoàn. Không nên để cái tên “Vua Lê chết chưa chôn” thô thiển, đầy phản cảm như vậy mà lại nhằm mục đích để ghi nhớ, tôn vinh một anh hùng dân tộc.

 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm