"Thanh tra và KT vào cuộc thì số tiền thu tại BOT mới sáng tỏ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ vụ cướp 2,2 tỉ đồng tại Trạm thu phí TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã tạo nên một làn sóng tranh luận và nghi ngờ về doanh thu thực của tuyến cao tốc trên.

 
Từ vụ cướp đã dẫn đến nhiều tranh luận về doanh thu thật của BOT TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Từ vụ cướp đã dẫn đến nhiều tranh luận về doanh thu thật của BOT TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.



Tranh cãi doanh thu thực của BOT TPHCM - Dầu Giây

Như Lao Động đưa tin, sáng mùng 3 tết vừa qua, 2 tên cướp đã cầm súng và mã tấu xông vào trụ sở Trạm thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây để cướp đi số tiền hơn 2,2 tỉ đồng ngay lúc nhân viên đang giao ca trực.

Từ thông tin này, nhiều người cho rằng chỉ trong một ca trực mà trạm thu phí trên thu được 2,2 tỉ đồng, như vậy suy ra trong 1 ngày phải có doanh thu lên đến 6 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương - PGĐ VECE trao đổi với PV Báo Lao Động.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương - PGĐ VECE trao đổi với PV Báo Lao Động.



Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) khẳng định, việc dư luận nghi ngờ số tiền thu phí có thể lên đến 6 tỉ đồng/ngày là không chính xác.

"Số tiền thu phí là từ 3,3 - 3,4 tỉ/ ngày, chỉ có ngày 28.4.2018 là 4,7 tỉ đồng, được xem là cao nhất từ trước đến nay" - bà Phương nói.

Bà Phương cũng khẳng định, việc dư luận nghi ngờ chủ đầu tư cố tình gian lận hoặc giấu doanh thu, kê khai thấp lại để kéo dài thời hạn thu phí là hoàn toàn không có cơ sở.

"VECE thực hiện thu phí trên phần mềm của một đơn vị độc lập cung cấp, hoàn toàn nằm trong việc bảo mật và kiểm soát của đơn vị này. Vì vậy, các nhân viên thu phí không thể can thiệp vào phần mềm để chỉnh sửa số lượng xe và doanh thu" - bà Phương khẳng định.

Chủ đầu tư tự báo cáo là thiếu tính khách quan

Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa -  Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nguyên GĐ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM cho rằng, để chủ đầu tư tự công bố doanh thu là thiếu tính khách quan.

Theo ông Hòa, doanh thu của BOT liên quan đến quyền lợi của chủ đầu tư và có thể liên quan đến cả nhóm lợi ích nào đó. Vì vậy, bản thân ông và người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ chủ đầu tư có thể sử dụng công nghệ để chỉnh sửa những con số, nhằm có lợi cao nhất cho mình.

"Để làm rõ doanh thu thực tế của BOT TPHCM - Long Thành -Dầu Giây là bao nhiêu trong ngày, thì cơ quan Kiểm toán và Thanh tra cần vào cuộc thanh kiểm tra một cách độc lập. Đến khi nào các cơ quan chức năng trên công bố kết luận và công khai thì khi đó mới thuyết phục được người dân" - ông Hòa nói.


 

 Theo GS Nguyễn Trọng Hòa, lượng xe ngày càng tăng cao, doanh thu ngày càng lớn thì nên tính lại việc giảm thời hạn thu phí của tuyến cao tốc.
Theo GS Nguyễn Trọng Hòa, lượng xe ngày càng tăng cao, doanh thu ngày càng lớn thì nên tính lại việc giảm thời hạn thu phí của tuyến cao tốc.



GS Nguyễn Trọng Hòa cũng chia sẻ thêm với P.V Báo Lao Động, chủ đầu tư thường thích bám vào số liệu doanh thu dự tính ban đầu lúc làm dự án (thường là doanh thu nhỏ). Trong khi thực tế số lượng phương tiện ngày càng tăng lên theo thời gian và dĩ nhiên số tiền thu phí ngày càng lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Vì vậy, không thể dùng doanh thu ban đầu mà tính ra số năm thu phí, phải tính lại theo doanh thu thực tế tăng theo năm thì thời hạn thu phí sẽ giảm đi.

"Doanh thu của BOT liên quan đến mọi người dân, đến cả nền kinh tế của đất nước nên người dân có quyền được biết doanh thu thật của BOT. Một khi xác định được doanh thu thật thì mới xác định được thời hạn thu phí của BOT một cách chính xác, đem lại công bằng và tránh gây thiệt cho người dân" - GS Hòa nói.

Huân Cao (LĐO)

Có thể bạn quan tâm