Lữ đoàn 40: Huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp đỡ nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Lữ đoàn Pháo binh 40 (Binh đoàn Tây Nguyên) đã tổ chức cho hai tiểu đoàn 1 và 3 do Thiếu tá Lê Trọng Dưỡng-Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn chỉ huy hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp đỡ nhân dân ở xã Hải Yang, huyện Mang Yang.
 

Đào mương trên sườn đồi. Ảnh: Hùng Tấn
Đào mương trên sườn đồi. Ảnh: Hùng Tấn

Xã Hải Yang nằm ở phía Đông của huyện Mang Yang. Toàn xã có hơn 3.000 nhân khẩu, quần tụ ở 4 thôn, làng; trong đó có 3 thôn người Kinh và 1 làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con ở đây chung sống với nhau khá đầm ấm và hầu hết sống bằng nghề nông. Cây trồng của bà con chủ yếu là lúa nước, cà phê và tiêu, đều là các loại cây cần nước tưới. Con mương thủy lợi dài 2,5 km ở trung tâm xã có nhiệm vụ thoát nước về mùa mưa; còn về mùa khô thì dẫn nước bơm từ hồ chứa vào các mương nội đồng để tưới mát cho hàng trăm ha lúa nước và các loại cây trồng khác của bà con.

Tuy nhiên, do chưa được kiên cố hóa lại đã qua nhiều năm sử dụng nên hư hỏng, xuống cấp nặng, mưa xuống nhiều chỗ bị nước từ các sườn đồi chảy xuống làm bờ mương xói mòn, đất cát lấp đầy lòng mương, cây cỏ mọc dày, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây úng lụt, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và đời sống của bà con. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con, lãnh đạo, chính quyền xã có chủ trương khôi phục con mương này và đề nghị huyện đầu tư kinh phí để kiên cố hóa một phần con mương. Song việc tổ chức đào đắp và thi công thì quả là một việc nhiều khó khăn với xã.

Từ thực tiễn đó, ngay sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện, chỉ huy đơn vị đã chủ động cùng các đồng chí lãnh đạo, chính quyền xã đi khảo sát, nắm chắc tình hình công việc, thống nhất kế hoạch từ ngày 25-4 sẽ giúp địa phương đào đắp và thi công con mương thủy lợi này.

Để hoàn thành con mương theo kế hoạch, việc trước tiên, đơn vị tổ chức cho bộ đội phát tuyến cắm mốc, sau đó, bộ đội cùng nhân dân phân thành từng nhóm tiến hành đào đắp theo kích thước quy định. Do mương chạy trên sườn đồi, đất cứng, lại lao động trong điều kiện trời nắng nóng nên ai mồ hôi cũng vã ra như tắm, nhưng anh em vẫn hăng say làm việc, dành phần khó về mình. Các cán bộ chỉ huy thì luôn sâu sát, tổ chức và cùng bộ đội đào đắp nên công việc khá trôi chảy và đảm bảo kỹ thuật.

Ở đoạn cuối, do đất yếu nên hay bị vỡ mỗi khi trời mưa to, theo ý định của xã, đoạn này đổ bê tông. Thế là, sau khi nạo vét làm sạch lòng mương, anh em tiến hành vận chuyển xi măng-cát-đá, trộn và đổ bê tông. Việc đổ bê tông khá phức tạp, trước tiên phải đổ bê tông nền cho đều và phẳng, sau đó dùng gỗ đóng cốp-pha hai bên thành mương đảm bảo mỗi thành rộng 25 phân, cao 1 mét, lòng mương rộng 0,8 mét, rồi đổ bê tông vào, đổ đến đâu lại phải lấy cây thọc cho vữa xuống đều, sau đó dùng bay miết mặt cho chặt và đảm bảo độ bằng; nền mương phải dày đều và phẳng…
 

  Đổ bê tông đoạn cuối con mương.  Ảnh: Hùng Tấn
Đổ bê tông đoạn cuối con mương. Ảnh: Hùng Tấn

Bằng tinh thần lao động vì nhân dân, chỉ trong vòng 2 ngày, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã hoàn thành việc đào đắp con mương thủy lợi dài 2,5 km, đảm bảo về kích thước và kỹ thuật; trộn 300 m3 bê tông và đổ gần 500 mét chiều dài đoạn cuối của mương, giúp địa phương hoàn thành một công việc khó khăn nhiều nan giải. Đồng chí Phạm Văn Huy-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hải Yang, người trực tiếp chỉ đạo thi công khẳng định: “Bộ đội Đoàn 40 bằng tinh thần lao động có kỷ luật có kỹ thuật hết lòng vì dân đã giúp địa phương hoàn thành con mương thủy lợi mà bấy lâu nay xã chưa làm được, tạo cơ sở cho địa phương phát triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh!”.

Ghi nhận những đóng góp đó của bộ đội, Đảng ủy xã Hải Yang đã quyết định tặng giấy khen cho hai tập thể là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3; tặng giấy khen cho 7 cá nhân là Thiếu tá Lê Trọng Dưỡng-Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Thành-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Thiếu tá Khương Văn Nhâm-Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Thượng úy Ngô Văn Tuấn-Trợ lý Bảo vệ-An ninh (Phòng Chính trị), Trung úy Ngô Hữu Pháp-Trung đội trưởng Trung đội chỉ huy (Tiểu đoàn 1), Binh nhất Nguyễn Văn Mạnh-chiến sĩ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) và Trung úy Nguyễn Hữu Hạnh-Chính trị viên Đại đội 7 (Tiểu đoàn 3).

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.