Làm giàu từ đa canh cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ đa canh cây công nghiệp và cây ăn quả trên cùng một diện tích, ông Đặng Văn Kích (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Rời quê hương Thái Bình vào lập nghiệp tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) từ năm 2010. Buổi đầu nơi vùng đất mới, cuộc sống của gia đình ông Kích gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu, giống như nhiều hộ dân quanh vùng chỉ độc canh cây cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao do giá cả thị trường không ổn định. Được tham gia các lớp tập huấn mô hình trồng xen canh cây ăn quả do huyện, xã tổ chức, ông Kích đã áp dụng trồng xen một số cây ăn quả trên diện tích canh tác hiện có.

Với cách làm đó, từ 4 sào cà phê già cỗi ban đầu, vừa làm vừa tích lũy mở rộng thêm diện tích, đến nay, gia đình ông phát triển hơn 8 ha, chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và 1.000 cây sầu riêng Ri6 và Thái (trong đó có 200 cây trong thời gian kinh doanh), 150 cây bơ kinh doanh với 2 loại giống 034 và bơ booth, 100 cây chôm chôm, 300 cây mít Thái.

  Vườn sầu riêng của gia đình ông Đặng Văn Kích (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) đang vụ thu hoạch. Ảnh: H.P
Vườn sầu riêng của gia đình ông Đặng Văn Kích (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) đang vụ thu hoạch. Ảnh: Hà Phương


Theo ông Kích, trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích giúp phá vỡ thế độc canh, chia sẻ rủi ro nếu một loại nông sản nào đó mất giá; đồng thời giúp gia đình tiết kiệm được công chăm sóc, tiết kiệm được phân bón. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn gấp 2-3 lần so với trước.

Khi mới xen canh, ông Kích cũng khá vất vả vì thiếu kiến thức, kỹ thuật canh tác nhiều loại cây trồng mới. Sau đó, khi được học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, bạn bè, nghiên cứu sách báo và trên mạng internet, ông dần làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ông còn đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, công sức, tăng hiệu quả chăm sóc vườn cây. Từ đó, vườn cây phát triển xanh tốt, đạt năng suất ổn định.

Chỉ riêng trong năm 2019, gia đình ông thu hơn 6 tấn sầu riêng, với giá bán dao động tại vườn từ 50 đến 60 ngàn đồng/kg, thu về khoảng 350 triệu đồng. Nguồn thu nhập từ bơ, chôm chôm, mít Thái mang về gần 150 triệu đồng và khoảng 700 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 900 triệu đồng. 

Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu năm 2019, ông Kích tham gia vào Tổ liên kết trồng và chăm sóc sầu riêng sạch tại thôn Đại An 2. Ngoài được hỗ trợ nguồn vốn vay, ông còn được hỗ trợ các biện pháp canh tác mới theo hướng hữu cơ để áp dụng vào quá trình sản xuất.

Ông Kích chia sẻ: “Dùng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu sẽ khiến đất nhanh chóng bị cằn cỗi, bạc màu, còn hiện nay, dùng phân bón hữu cơ và sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh sẽ duy trì dinh dưỡng và màu mỡ cho đất. Làm cho đất giàu dinh dưỡng cũng chính là làm cho mình giàu. Hơn nữa, sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn sẽ luôn có giá ổn định và cao hơn các sản phẩm khác”.

Mô hình trồng đa canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Đăng Văn Kích. Ảnh: Hà Phương
Mô hình đa canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Đăng Văn Kích. Ảnh: Hà Phương


Ông Trần Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl-nhận xét: Gia đình ông Kích là một trong những hộ tiên phong trồng cây ăn quả của xã. Không chỉ là hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện, ông còn là người tích cực tham gia công tác Hội, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho bà con học tập và làm theo. Chịu khó làm ăn, nhiệt tình với công tác xã hội, ông Kích được nhiều người trong thôn quý mến.

“Từ hiệu quả mô hình trồng đa canh của ông Kích, đến nay, trên địa bàn xã có gần 100 hộ dân chuyển sang thực hiện mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu với diện tích khoảng 40 ha. Hội Nông dân xã khuyến khích bà con thực hiện xen canh nhưng phải đảm bảo hiệu quả, lấy ngắn nuôi dài, qua đó tăng thu nhập cho gia đình”-ông Quý nói.

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.